Đề xuất cấm amiăng trắng…
Hội nghị giải trình về sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam diễn ra tại Phòng Tân Trào, Nhà QH. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi nhận được kiến nghị của một số hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia về việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam. Với quan điểm bảo vệ sức khỏe con người là quan trọng nhất, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi một cách khoa học, toàn diện những tác động của amiăng trắng đối với sức khoẻ con người và môi trường. Trên cơ sở đó, đề nghị xây dựng chính sách quản lý và lộ trình sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, sản xuất, ổn định chính trị, xã hội, niềm tin của người dân vào chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước và cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Báo cáo tại hội nghị giải trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Amiăng trắng tại Việt Nam được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp như ngành ô tô, sản xuất vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may… đặc biệt sử dụng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng với số lượng trung bình khoảng 50 nghìn tấn/năm. Tổng công suất thiết kế của các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiăng trắng tại Việt Nam hiện nay là 94,4 triệu m2/năm, Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây tổng lượng amiăng giảm trung bình khoảng 30% do lượng tiêu thụ tấm lợp giảm.
Về đề án lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng vào năm 2023, đại diện Bộ Y tế cho rằng, việc giảm lượng amiăng trắng, thậm chí chấm dứt sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng vào năm 2023 là cần thiết. Bởi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động thế giới thì amiăng là vật liệu độc hại và gây ung thư khi tiếp xúc. Ước tính toàn cầu ít nhất có 107 nghìn người hàng năm chết do ung thư phổi, ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng và bệnh bụi phổi amiăng do tiếp xúc nghề nghiệp. Hiện trên thế giới có 54 quốc gia đã chính thức cấm amiăng. Do đó, Bộ Y tế khẳng định Việt Nam không cần thêm các nghiên cứu nào về tác hại của amiăng trắng đến khỏe con người (?!)
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị giải trình |
Nhưng không có cơ sở khoa học
Ngay sau báo cáo của hai Bộ Xây dựng và Y tế kết thúc, lập tức hội trường phòng Tân Trào “nóng” lên bởi các ĐBQH liên tục nêu câu hỏi đề nghị cơ quan liên quan làm rõ. Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sĩ Diến đặt vấn đề, có hay không lợi ích nhóm trong vấn đề này, bởi theo phương án ban đầu từ năm 2020 - 2030 mới xây dựng lộ trình chấm dứt sử dụng aimiăng trắng nhưng từ năm 2014 đến nay Bộ Xây dựng và Bộ Y tế liên tục gây sức ép, hối thúc xây dựng Đề án trình Chính phủ cấm sử dụng amiăng trắng vào năm 2023. “Trong khi trong nước chưa có bằng chứng khoa học về độc hại của amiăng trắng mà cứ dẫn khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới để tuyên truyền, rồi cấm thì có đúng hay không, trách nhiệm các bộ về tính trung thực trong báo cáo”, ĐBQH Mai Sĩ Diến nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho rằng: Việc sớm đưa ra lộ trình cấm amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp có xuất phát từ lợi ích của sức khỏe người dân, hay lợi ích kinh tế, doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh?
Gay gắt hơn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh: Tôi có 3 nhiệm kỳ tại làm đại biểu HĐND TP Hải Phòng và 5 năm làm Bí thư huyện đảo nhưng không có một kiến nghị của cử tri nào xung quanh việc “tố” tấm lợp fibro xi măng gây ung thư. Vậy tại sao chúng ta cứ nêu vấn đề này ra để mất thời gian trong khi chưa có khảo sát đầy đủ. Còn các phân tích của Bộ Y tế về ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng trắng cũng rất phiến diện, không có sự so sánh với tỉ lệ ung thư rất lớn do các nguyên nhân khác gây ra tại Việt Nam. “Nếu Bộ Y tế căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và không cần làm thêm các nghiên cứu tại Việt Nam là không ổn. Không tuân thủ văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng giao Bộ Y tế phải tổ chức nghiên cứu thực tế ở Việt Nam rồi đề xuất các kiến nghị cụ thể, đại biểu Bùi Thanh Tùng cảnh báo.
Cần có thêm bằng chứng và xem xét các nhu cầu từ thực tế
Tại Việt Nam, chính công nhân đã và đang làm việc hàng ngày với amiang trắng là một bằng chứng sống về khảo nghiệm trên bản thân họ. Do đó những kết luận phải hết sức xác đáng, đúng thực tiễn. Bộ khoa học và Công nghệ, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu có hay không sự nguy hại của amiăng trắng. Các cơ quan tham mưu đề xuất lộ trình, cụ thể là Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đưa thông tin liên quan đến amiăng phải thực sự khách quan, khoa học vì lợi ích chung của nền kinh tế quốc gia dân tộc, đặc biệt là vì sức khỏe của người dân. Khi chưa có bằng chứng khoa học thì chưa được kết luận, tuyên truyền trái pháp luật Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng |
Các nhà khoa học khẳng định, nhiều năm qua không tìm thấy trường hợp nào bị bệnh ung thư trung biểu mô hay ung thư phổi do liên quan đến amiăng trắng. Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, Bộ Xây dựng TS. Lê Thị Hằng cho biết: Kết quả nghiên cứu năm 2002 - 2003 của đề tài khoa học cấp Nhà nước cho thấy mức độ nguy hiểm gây bệnh nghề nghiệp trong ngành sản xuất tấm lợp xi măng amiăng trắng ở Việt Nam rất thấp. Chỉ có 4 trường hợp được ghi nhận bị nhiễm bụi phổi amiăng ở thể nhẹ (chiếm 0,39%) trong 1.032 phim chụp từ số công nhân trực tiếp tiếp xúc với amiăng chrysotile từ 2 - 28 năm. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với một số ngành công nghiệp khác như bệnh bụi phổi silic ở công nhân khai thác than là 11,62%, công nhân luyện kim đen là 9,7%, công nhân sản xuất xi măng là 11,87%. Tương tự, trong 3 năm 2014 - 2016 bệnh viện xây dựng nghiên cứu các hộ dân sử dụng nước mưa dưới mái nhà tấm lợp huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho thấy không có người dân nào bị bệnh do amiăng trắng.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nhiệt đới GS.TS. Bạch Đình Thiên cho biết: Amiăng trắng có cấu trúc rất đặc biệt, khi phố trộn với xi măng sẽ không còn là sợi nguyên bản và với kết cấu dính đặc biệt, chúng rất khó phát tán sợi ra môi trường không khí để gây hại cho sức khỏe con người. Bằng chứng tất cả các nước như Đức, Nga vẫn đang sử dụng ống dẫn nước sinh hoạt có chứa amiăng trắng và không gây hại cho sức khỏe con người. Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc: Tấm lợp sử dụng amiăng trắng có nhiều ưu việt, đặc biệt ở những vùng ven biển có nhiễm mặn, những vùng đồng bào dân tộc khó khăn. Phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, thị trường và nhu cầu của xã hội và chính sách để đưa ra lộ trình chuyển đổi sao cho phù hợp.
Về phần mình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định: Sẽ tiếp thu các ý kiến rất xác đáng của các ĐBQH, đồng thời cho biết hiện nay Đề án đang trong quá trình nghiên cứu xây dựng, chưa trình Thủ tướng Chính phủ và cũng chưa có quyết định cấm. Quan điểm của Bộ Xây dựng khi hoàn thiện Đề án phải bảo đảm 6 yếu tố, trong đó xác định rõ cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp. Đặc biệt xác định rõ tác hại của amiăng trắng đối với sức khỏe con người; phải có lộ trình cần thiết; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…