Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam trao tặng cho Mái ấm Giu Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
Theo báo cáo Hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn đối với ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung và của ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng nói riêng. Sản lượng sản xuất xi măng năm 2023 dự kiến 89,4 triệu tấn, giảm khoảng 5,45% so với năm 2022, lượng tiêu thụ khoảng 89 triệu tấn, giảm khoảng 6% so với năm 2022. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 56,8 triệu tấn, giảm khoảng 10% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 386,5 triệu m2, giảm khoảng 15%, sản lượng tiêu thụ khoảng 291,5 triệu m², giảm 25% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất sứ vệ sinh đạt gần 12,5 triệu sản phẩm, giảm khoảng 25% so với năm 2022, sản lượng tiêu thụ khoảng 11 triệu sản phẩm. Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 211 triệu m2, giảm khoảng 2% so với năm 2022. Sản lượng tiêu thụ năm 2023 khoảng 168 triệu m2. Sản xuất và tiêu thụ vôi chỉ đạt 2,5 triệu tấn, giảm khoảng 2,5% so với năm 2022. Sản lượng sản xuất đá ốp lát đạt khoảng 12 triệu m2…
Riêng tấm lợp phibro xi măng sử dụng sợi amiăng trắng làm sợi gia cường, với những vướng mắc về cơ chế, chính sách, còn khó khăn hơn rất nhiều, sản xuất đạt 32,6 triệu m2 giảm 18% so với năm 2022, tiêu thụ đạt 32,3 triệu m2 giảm 16% so với năm 2022.
Đây thực sự là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xi măng sợi (phibro xi măng), do các yếu tố đầu vào như: amiăng trắng, xi măng, chi phí vận chuyển tăng, trong đó amiăng trắng tăng 3,67% dẫn đến giá thành sản phẩm phibro xi măng tăng. Thị trường giảm sút, sản phẩm khó tiêu thụ khiến hầu hết các doanh nghiệp đều phải tạm dừng sản xuất từ 2-7 tháng, một vài doanh nghiệp phải dừng sản xuất lâu dài, chuyển đổi sản xuất hoặc giải thể.
Giá bán ghi nhận tại 3 miền đều thấp, khu vực phía Bắc bình quân 24.000-26.000 đ/m2, miền Trung 26.000 – 31.000 đ/m2, miền Nam từ 31.000-51.000 đ/m2. Với giá bán này thì doanh nghiệp không có lợi nhuận để tái đầu tư và khó đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Trên thực tế, nhu cầu đối với loại vật liệu này vẫn không hề nhỏ, những khó khăn trên có một phần đến từ “cuộc chiến thương mại” giữa những người bảo vệ loại vật liệu có độ bền cao, hiệu quả sử dụng cao, phù hợp với những người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa với tổ chức chống amiăng suốt mấy chục năm qua vẫn chưa phân thắng bại, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp phibro xi măng. Chính vì những vướng mắc này mà đến nay, chính sách về sử dụng sợi amiăng trắng vẫn chưa ổn định, khiến doanh nghiệp không dám đầu tư lớn để đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất góp phần giảm giá thành sản phẩm. Có thể nói, đây là những thiệt thòi rất lớn của ngành tấm lợp phibro xi măng.
Những năm gần đây, đã có rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu nghiêm túc về ảnh hưởng của bụi amiăng trắng đến sức khỏe công nhân sản xuất tấm lợp amiăng và người sử dụng do các đơn vị, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Bệnh viện Xây dựng nay là Bệnh viện Đại học Y dược, Đại học quốc gia đã có Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe người lao động tại các đơn vị sản xuất và người sử dụng tấm lợp amiăng xi măng”. Đây là đề tài nghiên cứu trên diện rộng, kéo dài tới 5 năm, với rất nhiều kết quả nghiên cứu thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp amiăng và thực trạng môi trường và sức khỏe khu dân cư xã Tân Trịnh, Quang Bình, Hà Giang. Kết quả cho thấy, không có đột biến về sức khỏe của các đối tượng nghiên cứu. Mặc dù vậy, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam vẫn thường xuyên cung cấp thông tin, làm các văn bản nhắc nhở các đơn vị thành viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh amiăng trắng. Các doanh nghiệp thành viên đã tích cực đổi mới công nghệ, đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn môi trường. Các nhà máy đều khang trang, sạnh đẹp, hầu như không để bụi amiăng trắng thoát ra ngoài không khí.
Nhờ những nỗ lực này, năm 2023 Viện Vật liệu xây dựng thực hiện dự án: “Điều tra, khảo sát về đề xuất hoàn thiện quy định sử dụng amiăng trong sản xuất VLXD trên cơ sở Điều 8, Nghị định 09/2021/NĐ-CP về quản lý VLXD”. Trong đó, kết quả nghiên cứu đánh giá sự tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội được đánh giá là rất tốt. Đây là một trong những thành công quan trọng để khẳng định sự tồn tại và phát triển của ngành tấm lợp xi măng amiăng trắng trong tương lai.
Ông Võ Quang Diệm phát biểu tại Hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và kế hoạch công tác năm 2024 của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, Chủ tịch Võ Quang Diệm cho biết năm 2023 các doanh nghiệp thành viên đã đoàn kết vượt qua khó khăn thách thức, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới như: Tấm sóng màu, tấm phẳng, tấm panel cách nhiệt Sanwich, tấm xi măng Uniboard dày từ 8-18mm, tấm Siding ốp tường vân gỗ, tấm vân gỗ vách tường, ngói Diamond, tấm lót sàn MPC. Các sản phẩm mới này cũng đã được áp dụng để xây dựng công trình từ thiện nhà ở cho ‘‘Mái ấm Giu Sê’’ tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai và nhà Văn hóa cho bản Huổi Châng, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên rất thành công về chất lượng, kiến trúc và màu sắc. Chủ tịch Hiệp hội cũng xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm 2024 của Hiệp hội là: Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sống còn của ngành tấm lợp, áp dụng công nghệ mới, đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến mẫu mã, cung cấp cho thị trường các sản phẩm mới, chất lượng tốt, chịu được khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, khí hậu ven biển. Phát huy tính năng tuyệt vời của sợi amiăng trắng - loại sợi siêu bền, chịu nhiệt tốt để nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chịu nhiệt đáp ứng QCVN 06:2022/BXD về an toàn chống cháy cho nhà và công trình. Đây là loại sản phẩm đang rất cần cho thị trường Việt Nam hiện nay. Ngoài ra các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về môi trường và an toàn sức khỏe. Các doanh nghiệp cũng cần thống nhất với nhau về giá sàn theo khu vực, đàm phán với các nhà cung cấp đầu vào ổn định giá và chất lượng amiăng trắng. Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, quảng bá nhãn mác để người tiêu dùng hiểu và chấp nhận. Năm 2024 sẽ chấm dứt hiện tượng loạn nhãn mác hàng hóa, nhãn mác không có xuất xứ rõ ràng, chất lượng chưa ổn định theo TCVN 4434:2000 về tấm lợp phibro xi măng…
Đa số các đại biểu nhận định, Hiệp hội cần kịp thời đẩy mạnh việc tuyên truyền thông tin về điểm mạnh của amiăng trắng; có phản biện về những tuyên truyền không đúng sự thật về mức độ độc hại của amiăng trắng hiện đang gây tâm lý sợ hãi, tẩy chay sản phẩm phibro xi măng tới người tiêu dùng, gây ảnh hưởng mạnh đến thị trường tiêu thụ.
Đồng tình với vấn đề này, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp & Vật liệu Xây dựng Đông Anh cho rằng, các doanh nghiệp gặp khó khăn do vướng vấn đề liên quan đến amiăng trắng, không thể tăng cường sản xuất và tiêu thụ ra thị trường. Do đó, Công ty mong muốn được Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam quan tâm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có giải pháp để amiăng trắng được sử dụng ổn định, lâu dài như quy định của pháp luật trong Luật Đầu tư và Luật Hóa chất.
Còn rất nhiều việc cần làm để khẳng định vai trò, vị trí của tấm lợp phibro xi măng trong sự phát triển của ngành VLXD và trong công cuộc xây dựng đất nước, để Nhà nước có các chính sách cần thiết cho sự phát triển ổn định của loại vật liệu này, giúp các doanh nghiệp yên tâm, đầu tư sản xuất, phát triển thị trường. Đó là kết quả sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên.