Cần đánh giá thận trọng, khách quan

06-11-2017
Amiăng trắng có độ độc hại tới đâu vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi với các nhà khoa học, người làm kinh tế cũng như cơ quan quản lý. Thực tế, chúng ta chưa có một nghiên cứu quy mô, chặt chẽ, uy tín cấp quốc gia về ảnh hưởng của amiăng trắng đối với sức khỏe con người.

Chưa có nghiên cứu chuyên sâu

Nước ta hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới, chủ yếu là các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu sợ amiăng trắng nhập khẩu. Mỗi năm nước ta tiêu thụ 60 - 70 nghìn tấn amiăng, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng tấm lợp AC với lịch sử trên 50 năm, chúng ta đã sử dụng tới 2 triệu tấn sợi amiăng.

Ngoài amiăng, Việt Nam còn nhập rất nhiều sản phẩm chứa amiăng như vải, má phanh, vật liệu cách nhiệt, gioăng đệm, sợi, thảm… đặc biệt là các tấm phẳng để trang trí hoặc ngăn che trong các tòa nhà chung cư cao tầng, nhà văn phòng. Các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ… và cả từ các nước đã cấm sử dụng amiăng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.

Mặc dù sử dụng nhiều như vậy nhưng những kết quả nghiên cứu về mức độ độc hại của amiăng trắng ở nước ta chưa sâu, chưa được theo dõi liên tục, thiếu các thiết bị hiện đại chính xác, nên kết quả chưa phản ánh được điều gì.

Có nhà khoa học dẫn chứng, nếu làm một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ amiăng trung bình ở mức 70 nghìn tấn/năm, từ năm 1990 đến 2014, Việt Nam đã dùng 1.750.000 tấn. Vậy nhưng, lại khó đánh giá nguy cơ do amiăng gây ra một cách tổng thể bởi các nghiên cứu đã được phê duyệt đều ngắn hạn, chủ yếu nghiên cứu ngang, không có hệ thống.

Làm rõ tác động xã hội

Với quan điểm bảo vệ sức khỏe con người là quan trọng nhất, nhiều chuyên gia thống nhất, cần tập trung nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, toàn diện những tác động của amiăng trắng đối với sức khỏe con người và môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng triệu căn nhà đang sử dụng tấm lợp rải khắp cả nước với hàng triệu người sống trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, cần tính đến việc hỗ trợ bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp khi chuyển đổi công nghệ, vật liệu thay thế, bảo đảm quyền lợi của người lao động và nhân dân bằng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Không chỉ trong ngành tấm lợp fibro ximăng mà trong cả các ngành công nghiệp khác, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách quản lý và chương trình hành động quốc gia sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

Được biết, cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội nghị việc sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam và thế giới. Báo cáo thể hiện quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đều thống nhất cho rằng, chính sách đối với sử dụng, sản xuất amiăng trắng trước tiên cần quan tâm đến sức khỏe của người dân, của cộng đồng, nhìn xa trông rộng, tránh hậu quả lâu dài. Tất  nhiên, chính sách được đưa ra phải trên kết quả nghiên cứu, đánh giá toàn diện, khoa học, thận trọng, không nói vội, tôn trọng điều kiện thực tế, đặc biệt làm rõ tác động với xã hội, chi phí xã hội và chi phí với Nhà nước khi thực hiện.

Báo cáo thể hiện quan điểm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội còn nhấn mạnh, việc loại bỏ amiăng trắng phải được nhìn nhận tổng thể, trên nhiều góc độ, và tiên quyết phải theo lộ trình rõ ràng, các bước chuyển tiếp được công khai, nhằm tạo sự đồng thuận của các bên khi thực hiện.

Chi An - Báo Đại biểu Nhân dân

TIN MỚI ĐĂNG