Có thể gây nên một số bệnh nhất định nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn
Tại hội thảo, TS John Hoskins – cố vấn độc lập, Hội hóa học Hoàng gia Anh cho biết, amiang là một nhóm các chất khoáng silicat trong thiên nhiên, ở dạng sợi và chúng có khả năng chia nhỏ thành nhiều sợi mảnh hơn.
Amiang chia thành hai nhóm là nhóm Serpentine (amiang trắng) và Amphibole (amiang nâu và xanh). Amiang trắng chứa chrysolite là tập hợp nhiều sợi nhỏ, xốp mềm, hình xoắc ốc tạo thành sợi lớn hình ống trụ, loại này có độ bền và độ đàn hồi rất cao và chịu được môi trường kiềm. Amiang có thể tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, nhưng nhiều nhất là Úc, Canada, Nam Phi và Nga.
Theo tài liệu thống kê, amiang có mặt trong 3.000 loại sản phầm từ giản đơn đến phức tạp, từ tấm lớp, ống thoát nước… và những sản phẩm công nghệ cao như thiết bị vi tính và tên lửa.
Amiang được sử dụng sản xuất tấm lợp fibro xi măng. Ảnh: nguồn Internet.
TS John Hoskins cho biết thêm, hầu hết các vật liệu chứa amiang được sản xuất và sử dụng hiện nay đều được làm từ xi măng amiang có mật độ kết dính cao. Trong các sản phẩm này, amiang trắng bị kết dính bởi một ma trận chặt chẽ và không dễ dàng phát tán sợi trong quá trình sử dụng hàng ngày.
“Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng amiang trắng trong xi măng trải qua nhiều thay đổi về đặc tính bề mặt, thành phần và cấu trúc tinh thể. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những thay đổi hóa học đó làm cho khả năng sinh học của sợi amiang trắng suy giảm đi đáng kể. Vì vậy, rủi ro do xi măng amiang gây ra cũng giảm đi đáng kể”, ông cho biết.
Cùng quan điểm, bà Srichant Uthayopas – Chuyên gia Hiệp hội Sức khỏe Công nghiệp Châu Á (IHAA) Thái Lan cho rằng, thông thường, hầu hết các sản phẩm amiang trắng (còn gọi là tấm AC hay tấm fibro xi măng) có tỷ lệ phối trộn amiang trắng nhỏ hơn 10%.
“Không giống như amiang nâu và xanh thuộc nhóm Amphibole, amiang trắng thuộc nhóm Serpentine khi thâm nhập vào cơ thể sẽ dễ dàng bị phân hủy bởi môi trường acid do các đại thực bào tạo ra. Do vậy, khả năng mắc bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm amiang trắng thấp hơn so với khả năng mắc bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm với các chất khác” – bà Srichant Uthayopas cho biết.
Cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp tục nghiên cứu
TS.BS Lê Thị Hằng – Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, Bộ Xây dựng cũng khẳng định, nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng không có sự gia tăng về rủi ro ung thư khi phơi nhiễm với amiang trắng trong điều kiện được kiểm soát.
Tại Việt Nam, Chương trình khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho công nhân ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng được Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) triển khai trong 7 năm qua (2008-2014). Đây là chương trình được tổ chức khoa học, định kỳ hàng năm và khám cho tổng số gần 3.600 công nhân các nhà máy tấm lợp AC (những lao động tiếp xúc trực tiếp với amiang trắng trong sản xuất).
Kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp được công bố từ Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang trắng.
Bà Hằng cho biết thêm: Năm 2015 đã có hơn 1.000 cán bộ công nhân viên làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp fibro ximăng tiến hành khám bệnh bụi phổi amiang nghề nghiệp. Trong đó, các bác sĩ đã chọn hơn 700 phim đạt tiêu chuẩn đem ra thảo luận tại hội đồng. Từ những kết quả đánh giá, Hội đồng chẩn bệnh kết luận: Không có trường hợp nào mắc bệnh bụi phổi amiang.
Trong khi chưa tìm ra chất thay thế, amiang trắng vẫn có thể được sử dụng trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: nguồn Internet.
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra các giải pháp sử dụng sợi thay thế cho sợi amiang. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu sau gần 20 năm cho thấy, sản phẩm thay thế chưa đạt như mong muốn do có tuổi thọ thấp, chi phí cao, không phù hợp với môi trường khí hậu ở Việt Nam và nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng, chủ trương cho phép sử dụng amiang trắng có kiểm soát để sản xuất tấm lợp trong Quyết định số:1469/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ là đúng đắn. Trong lĩnh vực xây dựng sản phẩm từ amiang trắng – xi măng vẫn có thể được tiếp tục sử dụng có kiểm soát chặt chẽ trong khi thế giới chưa tìm được sự thay thế bằng loại sợi khác thỏa mãn các yêu cầu về môi trường, yêu cầu kỹ thuật, chỉ tiêu kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, các vấn đề liên quan đến amiang cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, tiếp tục nghiên cứu để có những chứng cứ minh bạch, thuyết phục dựa trên cơ sở khoa học, để vừa đảm bảo không gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân vừa phù hợp với lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia công ước kiểm soát hóa chất độc hại, Chính phủ đã cấm tuyệt đối sử dụng các chất độc hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng để sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với amiang, nghiêm cấm việc sử dụng amiang nhóm amphibole (amiang nâu và xanh) trong sản xuất vật liệu xây dựng dưới mọi hình thức, chỉ cho phép sử dụng amiang trắng (Serpentine) để sản xuất tấm lợp.
Dừng sử dụng amiang trắng muộn nhất vào năm 2030
Liên quan đến chủ đề này, tại phiên họp Quốc hội chiều qua (17/11), giải đáp chất vấn của Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) về tình hình đánh giá, kiểm soát tác hại vật liệu amiang trắng đến sức khỏe con người, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay hiện các bộ đang xem xét khả năng rút ngắn lộ trình dừng sử dụng amiang trắng đến năm 2020 hoặc muộn nhất là năm 2030.
Sợi amiang trắng. Ảnh: nguồn Internet
Theo Phó Thủ tướng, tháng 8/2014, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động thế giới đã gửi thư đề nghị Chính phủ Việt Nam nên có lộ trình kiểm soát amiang trắng sau năm 2020. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng dẫn năm 2030, trong đó yêu cầucần xây dựng lộ trình giảm dần tiến tới chấm dứt việc sử dụng sợi amiang trắng trong sản xuất vật liệu lợp.
Hiện Việt Nam là nước không có amiang mà phải nhập khẩu khoảng 70 nghìn tấn mỗi năm để sản xuất, chủ yếu là sản xuất tấm lợp. Các sản phẩm này lại đa phần được sử dụng ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới vàTổ chức Lao động thế giới đã chỉ rằng việc phơi nhiễm amiang có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu khả năng rút ngắn lộ trình loại bỏ amiang trắng ra khỏi vật liệu xây dựng đến năm 2020, giao Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu những sản phẩm có thể thay thế amiang, giao Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá tác động của amiang đối với sức khỏe người sử dụng và với cả cộng đồng.
“Nếu đúng lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2030 chúng ta vẫn dừng sử dụng amiang trắng.Hiện các bộ đang nghiên cứu, xem xét có thể rút ngắn hơn lộ trình này đến năm 2020 được không” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, sợi amiang trắng được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm đã có mặt từ hơn khoảng 50 năm nay. Đá thô từ các mỏ quặng serpentine sau khi khai thác được nghiền nhỏ và được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân lân NPK cho khoảng 500 công ty. Ngoài ra sợi amiang trắng chiếm tỉ lệ phối trộn khoảng 10% trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng. Bên cạnh đó, amiang trắng còn được dùng để sản xuất vật liệu chống ma sát (má phanh ô tô, đệm lót, khớp ly hợp và phanh cho thang máy…), áo chống đạn và quần áo chống cháy dùng trong an ninh quốc phòng, làm nồi hơi, sử dụng trong đóng và sửa chữa tàu thủy…
Từ năm 1963 đến nay, ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng đã phát triển thành một ngành công nghiệp gồm 39 cơ sở sản xuất với công suất thiết kế hơn 110 triệu m2/năm, sử dụng hơn 5.000 lao động. Từ 2008 đến nay, mỗi năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 80 - 90 triệu m2/năm chiếm khoảng 60 - 62% nhu cầu về tấm lợp, sử dụng bình quân 60.000 -70.000 tấn amiang trắng/năm.
Mai Anh/Báo Gia đình & Xã hội