Chưa đủ cơ sở khoa học?
Theo Giám đốc Bệnh viện Xây dựng, TS.BS Lê Thị Hằng, qua khảo sát môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất và nghiên cứu đối với nhóm các công nhân có tiếp xúc trực tiếp với amiăng trắng trong thời gian dài, kết quả phát hiện 4 trường hợp mắc bụi phổi và nghi ngờ ở thể nhẹ (0/1S và 1/1T) dạng xơ hóa. Các trường hợp có u trên phổi, hoặc ung thư trung biểu mô phổi đến nay chưa thấy phát hiện trên nhóm đối tượng này.
Trước thông tin cho rằng amiăng trắng là “thủ phạm” gây ung thư cho người, BS Lê Thị Hằng khẳng định thông tin như vậy là thiếu cơ sở khoa học. BS Hằng dẫn chứng, đơn vị này vừa tiến hành điều tra tại hai xã thuộc huyện Quang Bình (tỉnh Hà Giang) thì tỷ lệ mắc các bệnh về tai, mũi, họng, mắt và hàm mặt chiếm tỷ lệ cao từ 40 - 70%, tương đồng với một số vùng khác. Nguyên nhân chủ yếu do thói quen sinh hoạt, ăn uống chưa bảo đảm vệ sinh của người dân. Đặc biệt, tỷ suất chết vì ung thư đều không có nhiều khác biệt so với cả nước và thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Indonesia, Campuchia… Như vậy, dù là một vùng chủ yếu sử dụng mái lợp từ amiăng, nhưng cơ cấu bệnh tật và đặc biệt là ung thư không thấy có gì khác biệt so với các vùng không sử dụng.
Đồng tình với quan điểm của BS Hằng, chuyên gia cao cấp về bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường Bộ Y tế, PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lan cũng cho rằng: nhiều nghiên cứu cho thấy, bụi amăng phát sinh từ tấm lợp so với với bụi amiăng có tại cơ sở sản xuất, các mỏ khai thác có tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều lần. Báo cáo về bụi amiăng trong không khí tại huyện Quang Bình, là địa phương có chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tấm lợp amiăng lớn nhất cho thấy: Hàm lượng bụi không khí chủ yếu là bụi phát sinh từ tập quán đun nấu của người dân; không thấy có sự khác biệt trong số lượng các ca tử vong do ung thư nói chung tại các tỉnh so với nhiều khu vực cũng sử dụng vật liệu amiăng trên thế giới.
Nhiều vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn | Nguồn: ITN |
Nghiên cứu, đánh giá khách quan
Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam, TS. Võ Quang Diệm cho biết, tại Việt Nam, sợi amiăng trắng tồn tại tự nhiên trong các lớp đất đá và không khí. Đá thô được khai thác từ các mỏ quặng serpentin là nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp sản xuất phân lân NPK. Sản phẩm thành phẩm sau khai thác được nghiền nhỏ tạo thành bụi serpentin và được sử dụng để sản xuất phân bón cho khoảng 500 công ty sản xuất phân bón ở khắp mọi miền đất nước. Phân lân NPK được nông dân sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Sợi amiăng trắng tinh khiết nhập khẩu có dạng bột, sợi dài và được sử dụng trong công nghệ sản xuất tấm lợp, ống dẫn nước, má phanh ô tô và các sản phẩm dân dụng cách nhiệt, cách âm khác (hơn 3.000 sản phẩm), như sản xuất vật liệu chống ma sát; ngành đóng và sửa chữa tàu thủy; nồi hơi trong lĩnh vực phát điện và lĩnh vực công nghiệp; ngành sản xuất tấm lợp fibro ximăng… Có thể thấy, vật liệu amiăng đang có những đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, trong khi chưa có những số liệu cụ thể, rất cần những đánh giá khách quan, khoa học khi phán xét về tác hại từ việc sử dụng vật liệu amiăng trắng đối với sức khỏe con người, TS. Võ Quang Diệm bày tỏ.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, thời gian tới, cần thành lập ủy ban chuyên trách gồm các giáo sư, tiến sĩ, các thành viên độc lập có đủ trình độ về chuyên môn và ngoại ngữ để đánh giá lại vấn đề sử dụng amiăng trắng an toàn và có kiểm soát tại Việt Nam.
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu khoa học và quyết định của cơ quan quản lý, các đơn vị sản xuất cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt phải đặt vấn đề an toàn sức khỏe con người và môi trường lên hàng đầu.