Chưa có bằng chứng rõ ràng việc amiang trắng gây ung thư trung biểu mô

28-10-2015
VOV.VN - Kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp của Hội đồng y khoa nêu rõ không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang chrysolite.

Cuối tháng 4/2015, VOV.VN tổ chức buổi tọa đàm "Dừng sử dụng amiang trắng vào năm 2020". Tuy nhiên, Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam thấy các thông tin trong buổi tọa đàm này chưa thỏa đáng. Để thông tin khách quan, đa chiều, chúng tôi đăng nội dung phản biện này:

Trong quá khứ, việc sử dụng sợi amiang không đúng cách như phun, xịt gây phát tán bụi trong không khí cùng với điều kiện làm việc tồi tệ là nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi cho công nhân. Những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi được phát hiện ngày hôm nay chính là kết quả của việc tiếp xúc với amiang xanh và nâu từ 20 - 40 năm trước.

Hiện nay, có rất nhiều các chiến dịch truyền thông kêu gọi sự ủng hộ cho việc cấm sử dụng amiang chrysotile (amiang trắng) trên toàn thế giới bất chấp những nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tế hữu ích của loại sợi này, đánh đồng amiang trắng với amiang nâu và xanh.

chua co bang chung ro rang viec amiang trang gay ung thu trung bieu mo hinh 0
Amiang trắng chủ yếu được sử dụng trong sản xuất tấm lợp fibro xi-măng

Từ năm 2009-2011, PGS. TS. Trần Thị Ngọc Lan và các cộng sự thuộc Cục quản lý Môi trường Y tế đã tiến hành Nghiên cứu các bệnh liên quan đến amiang ở những người tiếp xúc. Đây là một hoạt động thuộc Dự án “Bảo vệ sức khỏe người lao động giai đoạn 2009-2011” do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 525/TTg-QHQT ngày 08/4/2009 và Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 2219/QĐ-BYT ngày 19/6/2009. Nghiên cứu này được thông qua Hội đồng Y đức của Bộ Y tế.

Kết quả phỏng vấn tìm tiền sử nghề nghiệp liên quan đến amiăng ở 447 trường hợp (trong 3 năm từ 2009 – 2011 và đây là các trường hợp bệnh liên quan đến amiang bao gồm ung thư phổi, mảng dày màng phổi và ung thư trung biểu mô) vào nhập viện tại 06 bệnh viện lớn tham gia nghiên cứu cho thấy có 46 trường hợp được chẩn đoán ung thư trung biểu mô màng phổi (Mesothelioma màng phổi). 39 mẫu bệnh phẩm đối tượng được chẩn đoán ung thư trung biểu mô sau đó được lựa chọn gửi sang Bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản đã được chuyên gia Nhật Bản xác định chẩn đoán là 08 trường hợp. Trong đó không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.

Theo một số chuyên gia, việc quy hết các trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam là do phơi nhiễm với amiang trắng là không khách quan. Thứ nhất, tỷ lệ 80% bệnh nhân ung thư trung biểu mô là do amiang được đưa ra trong một báo cáo của WHO. Tỷ lệ này được đưa ra dựa trên hai nghiên cứu thống kê dựa trên các số liệu về phơi nhiễm với amiang amphibole và amiang chrysotile. Trong khi đó, ở Việt Nam chỉ có amiang chrysotile được sử dụng.

Các tổ chức phi chính phủ khi vận động chính sách y tế đã lấy các con số 107.000 người và 8 trường hợp ung thư trung biểu mô ở Việt Nam như là một bằng chứng bệnh tật do amiang trắng gây ra không là có cơ sở. Việc sử dụng các con số này để trình bày tại các Hội thảo, hội nghị gây định hướng sai lệch cho truyền thông và dư luận, khiến hiểu sai về kết quả khoa học.

Nghiên cứu thứ nhất, “Asbestos, asbestosis, and cancer: the Helsinki criteria for diagnosis and attribution” (Scand J Work Environ Health 1997;23(4):311-316) khẳng định “khoảng 80% bệnh nhân ung thư trung biểu mô đã từng ít nhiều có phơi nhiễm nghề nghiệp với amiang”. Nhưng bên cạnh đó, nghiên cứu cũng ghi rõ: “Bỏ qua một số trường hợp ung thư trung biểu mô loại mô học loại lành tính hoặc không rõ ràng có ác tính hay không (…), tất cả các dạng ung thư trung biểu mô ác tính có thể được gây ra bởi amiang, trong đó khả năng gây ung thư của amphibole cao hơn chrysotile”.

Nghiên cứu thứ hai được tham khảo cho tỷ lệ 80% là “The epidemiology of mesothelioma in historical context” của J.C. McDonald, A.D. McDonald (Eur Respir J, 1996, 9, 1932-1942). 80% thậm chí còn không xuất hiện trong nghiên cứu này, ngoại trừ câu sau: “Trong các nghiên cứu thuộc thời kỳ đầu, chỉ có thiểu số các bệnh nhân nam được cho là do phơi nhiễm nghề nghiệp với amiang, trong khi đó, tuỳ thuộc vào địa điểm, tỷ lệ hiện nay có thể lên đến 90%”. Tuy nhiên, cũng chính nghiên cứu này nhấn mạnh rằng những nghiên cứu dịch tễ học đều cho thấy tỉ lệ ung thư trung biểu mô cao hơn hẳn ở những mỏ và nhà máy có sử dụng amiang amphibole do độ bền sinh học cao của loại amiang này. Hơn nữa “Amiang trắng dùng trong công nghiệp thường chứa hàm lượng thấp sợi tremolite (một loại amphibole), yếu tố có thể lý giải số lượng ít trường hợp ung thư trung biểu mô được gắn với loại sợi amiang này (tức amiang trắng)”.

Thực tế, khoa học vẫn chưa có câu trả lời liệu amiang trắng có gây ung thư trung biểu mô hay không. Trong tham luận trình bày tại Hội thảo Kỹ thuật về Amiang Chrysotile tổ chức bởi Ban Thư ký Công Ước Rotterdam ngày 30-31 tháng 3 tại Geneva, TS. Dana Loomis của IARC công nhận rằng bằng chứng hiện nay cho thấy khả năng gây ung thư trung biểu mô của amiang chrysotile thấp hơn amiang amphibole – mặc dù chất lượng dữ liệu còn hạn chế.

Nghiên cứu năm 1998 của Ilgren và Chatfield thậm chí còn kết luận: “Rất có thể chưa từng có bất kỳ trường hợp ung thư trung biểu mô nào được kết luận, chứng minh về mặt lâm sàng và bệnh lý ở bất kỳ ngành công nghiệp sản xuất nào như xi măng, sản phẩm ma sát, hoặc dệt may, với hàng chục nghìn công nhân, nơi chỉ có amiang chrysotile được sử dụng”. (Ilgren and Chatfield. Indoor Built Environ, 1998)

Tại Việt Nam amiang trắng chủ yếu được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất tấm lợp fibro xi măng và thuộc quản lý của Bộ Xây dựng. Bệnh viện Xây dựng chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Chương trình Khám bệnh nghề nghiệp là một hoạt động thường niên, diễn ra trong 6 năm với đầy đủ hồ sơ lưu trữ công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất tấm lợp. Đây là chương trình được tổ chức khoa học, bài bản và kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp luôn có sự tham gia của các GS. TS. chẩn đoán bệnh đầu ngành Y tế (không phải ngành Xây dựng), như GS. Hoàng Đức Kiệt - Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cùng các chuyên gia như GS.TS Trương Việt Dũng, chủ nhiệm Khoa Y dược - ĐH Quốc gia Hà Nội; PGS.TS Đỗ Quyết, Phó giám đốc - Bệnh viện quân y 103; GS.TS.BS Trần Thị Ngọc Lan, Phó cục trưởng - Phó Cục trưởng cục Quản lý môi trường Y tế; TS.BS Lê Thị Hằng, Tiến sỹ về bệnh bụi phổi, Giám đốc Bệnh viện Xây dựng. Kết quả của Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang chrysotile./.

Theo PV VOV

TIN MỚI ĐĂNG