Tại các vùng cao, người dân còn sử dụng tấm lợp amiăng khá nhiều. (Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN)
Ngày 10/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng cùng Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế nhằm đánh giá tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người để có biện pháp quản lý phù hợp.
Hội thảo nhằm tập hợp các thông tin khoa học và giải pháp hữu ích liên quan đến quản lý và sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Phân định rõ hai loại amiăng
Tấm lợp amiăng ximăng là vật liệu hữu dụng, được sử dụng phổ biến tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa tại Việt Nam. Thế nhưng, thời gian qua xuất hiện nhiều thông tin trái chiều về ảnh hưởng của amiăng trắng tới sức khỏe con người.
Tuy nhiên, để đi đến phán quyết cuối cùng vẫn cần có sự minh chứng một cách khoa học.
Tại hội thảo, các nhà khoa học chỉ rõ amiăng là tên thương mại dùng chung cho các loại sợi khoáng nhưng trên thực tế sợi amiăng được chia thành hai nhóm chính là amiăng trắng và mầu (xanh và nâu) và cần phải được phân định rõ.
Hiện amiăng nâu và xanh đã bị cấm sử dụng hoàn toàn dưới mọi hình thức trên toàn thế giới. Còn amiăng trắng vẫn được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp, dưới sự kiểm soát chặt chẽ và các nghiên cứu khoa học không tìm thấy bằng chứng bệnh tật do amiăng trắng gây ra.
Nhiều nhà khoa học cho rằng trong quá khứ, việc sử dụng sợi amiăng không đúng như cách phun, xịt gây phát tán bụi trong không khí cùng với điều kiện làm việc tồi tệ là các nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi cho công nhân.
Những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi được phát hiện ngày nay cũng chính là kết quả của việc tiếp xúc với amiăng xanh và nâu từ 20-40 năm trước.
Hiện việc sản xuất tấm fibro ximăng và ống nước fibro ximăng chỉ chứa một lượng rất nhỏ sợi amiăng trắng (từ 8-10%); trong đó tỷ lệ các loại vật liệu thô khác được sử dụng là ximăng 55%, tro bụi than thiên nhiên 35%.
Mặt khác, các sợi amiăng trắng được gắn kết rất chặt chẽ với các hạt ximăng trong suốt quá trình sản xuất nên khó có thể bị phân tán ra môi trường ngoài. Do đó, các rủi ro về sức khỏe cộng đồng và môi trường cũng được giảm nhiều.
Trên thế giới hiện có 54 quốc gia cấm sử dụng các loại sợi amiăng. Tuy nhiên cũng có tới 149 quốc gia, vùng lãnh thổ cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng. Trong số này bao gồm cả những nước G8 như Mỹ, Canada, Nga...
Chia sẻ tại hội nghị, giáo sư Somchai Bovornkitti, Học viện Khoa học, Viện Hoàng gia, Bangkok, Thái Lan cho biết Thái Lan đã sử dụng amiăng từ 70 năm nay và khoảng 30 năm trở lại đây thì dùng amiăng trắng, thậm chí còn dùng để làm ống dẫn nước.
Trước thông tin amiăng trắng có thể gây hại đến sức khỏe con người, Thái Lan đã tiến hành kiểm tra mẫu bệnh và thấy nguyên nhân của các bệnh này không liên quan đến amiăng trắng nên vẫn cho phép sử dụng sản phẩm này, giáo sư Somchai Bovornkitti nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, tiến sỹ David Bernstein, nhà tư vấn người Thụy Sỹ, chuyên viên tư vấn về độc học hô hấp nhận định amiăng màu có ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng amiăng trắng khi hít vào phổi được đào thải rất nhanh.
Amiăng là một sợi rất mỏng, nhưng cơ chế của hai loại trắng và màu hoàn toàn khác nhau. Với cấu tạo hình trụ sợi amiăng trắng sẽ bị loại bỏ trong môi trường axit, pH 74 các đại thực bào sẽ bao trọn và đẩy sợi ngắn hay dài ra ngoài ngay khi chúng xâm nhập.
Trên thực tế, trong các môi trường tự nhiên thì sợi này cũng tồn tại và nghiên cứu tại các đô thị có sản xuất hay sử dụng tấm lợp với đô thị không có sử dụng tại Canada và Thụy Điển đều cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ung thư Trung biểu mô là giống nhau. Vì thế tác động của nó với bệnh ung thư trung biểu mô có tỷ lệ 1/50 so với amiăng màu.
Những ảnh hưởng mà mọi người nghe nói đến là ảnh hưởng của những người làm việc trong môi trường không có sự kiểm soát về phát tán bụi. Điều này thường là xảy ra từ khoảng 50 năm trước, giai đoạn chưa có công nghệ để kiểm soát bụi.
Hiện nay, công nghệ sản xuất cao đã kiềm chế nồng độ bụi phát tán thấp nên có thể sử dụng, tiến sỹ David Bernstein lý giải, cũng bởi vậy nhiều nước phát triển trong khu vực và thế giới chỉ áp dụng biện pháp kiểm soát mà không cấm sử dụng loại sợi amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Kiểm soát để bảo vệ sức khỏe con người
Tại Việt Nam, ngành sản xuất tấm lợp amiăng đã tồn tại từ năm 1963 đến nay và phát triển thành một ngành công nghiệp gồm 41 cơ sở sản xuất với công suất thiết kế hơn 106 triệu m2/năm và sử dụng hơn 5.000 lao động.
Hội thảo khoa học quốc tế “Đánh giá tác động của amiăng trắng đến sức khỏe con người - Biện pháp quản lý phù hợp” sẽ tập hợp các thông tin liên quan đến amiăng trắng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/12.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền, Cục quản lý môi trường (Bộ Y tế), cho rằng amiăng là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp cao, có thời gian ủ bệnh kéo dài 40 năm với dẫn chứng về 54 nước đã cấm sử dụng amiăng, nên Bộ Y tế đề nghị cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp amiăng-xi măng.
Tuy nhiên, các số liệu được đại diện Bộ Y tế viện dẫn chủ yếu là nghiên cứu tại các quốc gia khác. Mặc dù bệnh bụi phổi amiăng được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù ở Việt Nam từ năm 1976 nhưng tới năm 2008 mới giám định và đền bù được ba trường hợp.
Nhiều bệnh liên quan đến amiăng khác chưa nằm trong danh mục là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm nên chưa có thống kê đầy đủ, bà Hiền cho hay.
Trong khi đó, các trường hợp bệnh nghi ngờ liên quan đến amiăng vào nhập viện thì cũng có nhiều vụ thông tin tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng chưa đầy đủ. Điều này cho thấy, các con số điều tra về thực trạng ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ, chủ yếu là từ cảnh báo của các tổ chức nước ngoài.
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hồng Tịnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng việc cấm hay không phải dựa trên Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp, phải có nghiên cứu cụ thể và quan trọng nhất vẫn là số liệu và dẫn chứng khoa học.
Luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và chỉ có sáu loại hình kinh doanh bị cấm. Do đó, nếu chưa làm rõ ràng được amiăng trắng gây tổn hại đến sức khỏe con người và chưa cấm sản xuất thì doanh nghiệp vẫn được làm.
Chính phủ có trách nhiệm đảm bảo và ưu tiên tạo môi trường sống trong lành cho người dân, tuy nhiên, trên thực tế, còn nhiều thứ cũng rất độc hại khác mà chưa được nghiên cứu, phát hiện. Bởi vậy, khuyến cáo cũng là giải pháp còn đi đến cấm hoàn toàn thì chưa có chứng cứ khoa học.
Việc tìm kiếm các vật liệu thay thế cũng là giải pháp được tính đến. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng chỉ ra rằng các loại sợi thay thế không mang tính khả thi do giá thành cao và hình thành các vết nứt trên bề mặt.
Hơn 70 năm qua, việc tìm vật liệu thay thế amiăng trắng vẫn là bài toán khó với các nhà khoa học. Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), cho hay hiện nay trên thị trường cũng đã xuất hiện nhiều vật liệu dạng sợi mới như sợi khoáng, sợi thủy tinh, sợi hóa học.
Tuy nhiên, qua hơn 70 năm tìm vật liệu thay thế amiăng với các tính năng tương tự thì đến nay vẫn chưa thành công.
Xét về khía cạnh an toàn sinh thái thì công nghệ chế tạo các vật liệu thay thế thuộc loại không đảm bảo sinh thái bền vững. Sợi amiăng trắng được sản sinh trong thiên nhiên, còn khi sản xuất các vật liệu thay thế lại cần tiêu tốn một nguồn lực bổ sung lớn.
“Nếu nói vật liệu xi măng amiăng trắng là có hại cho sức khỏe thì liệu có cần thiết phá hết hay không các công trình (dân dụng và công nghiệp) đã được xây dựng ở châu Âu có sử dụng vật liệu xi măng-amiăng trắng. Trên thế giới các số liệu công bố chỉ mới nhận định có thể có liên quan đến amiăng, chứ chưa có kết luận là do amiăng,” phó giáo sư-tiến sỹ Lương Đức Long đặt vấn đề.
Trong khi chưa có giải pháp hữu hiệu về các vật liệu thay thế, cũng như chưa có kết luận chính thức về tính độc hại của sản phẩm này, việc kiểm soát amiăng trắng để bảo vệ sức khỏe cho những người lao động trong các nhà máy vẫn là cần thiết./.