Chôn lấp vẫn là hình thức xử lý phổ biến đối với rác thải rắn.
Việc tái chế này góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Nhưng phần lớn rác thải rắn được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, đốt, vừa lãng phí tài nguyên, tốn đất làm bãi chôn lấp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon Lê Minh Hiếu, tro bụi của nhà máy nhiệt điện hay hạt nix của nhà máy đóng tàu đều có thể tận dụng để làm phụ gia xi măng. Nhưng trên thực tế, Công ty Xi măng Chinfon phải nhập khẩu tro bụi từ Nhật Bản để làm phụ gia xi măng; trong khi doanh nghiệp phát sinh chất thải này lại lúng túng tìm cách xử lý. Đây là tình trạng chung trong quản lý, sử dụng rác thải hiện nay.
Kết quả điều tra hiện trạng quản lý chất thải rắn của nhóm chuyên gia Nhật Bản, để lập kế hoạch chiến lược tăng trưởng xanh GGS của thành phố cho thấy, rác thải chỉ được xử lý chôn lấp, hầu như không được phân loại, không được tái chế thành tài nguyên.
Việc phân loại, tái chế chất thải rắn không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế - kỹ thuật mà còn góp phần giảm diện tích chiếm đất của bãi chứa, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để có thể phát triển, nhân rộng hoạt động này còn nhiều việc phải làm.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020, năm 2015 có 85% tổng lượng chất thải rắn tại đô thị phải được thu gom, xử lý, 60% được tái chế để tái sử dụng; đến năm 2020, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng đối với rác thải là 85%.
Để thực hiện chủ trương này, trên địa bàn Thành phố Hải Phòng, một số chủ nguồn thải đã chủ động tìm đối tác nghiên cứu, đầu tư, tái chế chất thải, Công ty CP DAP là ví dụ. Từ năm 2009 đến nay DAP đổ ra bãi thải tạm khoảng 2 triệu tấn bã thạch cao.
Sau nhiều nỗ lực và tìm kiếm giải pháp thông qua đề tài nghiên cứu khoa học, Công ty CP DAP tìm ra giải pháp chế biến bã thạch cao thành thạch cao nhân tạo dùng làm phụ gia xi măng. Năm 2010 Công ty CP thạch cao Đình Vũ ra đời. Công ty lắp 1/4 dây chuyền, sản lượng 150.000 tấn/dây chuyền/năm và chạy thử.
Tính hết tháng 6/2014, Công ty cung cấp 10.000 tấn thạch cao nhân tạo cho nhà máy Xi măng Bút Sơn và được đối tác đánh giá cao. Tuy nhiên, số doanh nghiệp như DAP không nhiều, do khó khăn về nguồn lực tài chính và công nghệ.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Chinfon Lê Minh Hiếu, việc tái chế tro bay, hạt nix làm phụ gia xi măng mang lại nhiều lợi ích. Nhưng để tro bay của nhà máy nhiệt điện hay hạt nix của cơ sở phá dỡ tàu cũ, trở thành phụ gia xi măng, các chất thải này phải được phân loại, được xử lý cho phù hợp với các thiết bị của lò nung; đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định như: Không chứa các axit mạnh (sulfuric, nitric, clohidric…). Nhưng đến nay, trên địa bàn Thành phố Hải Phòng chưa nhiều nghiên cứu, những tư vấn, hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về vấn đề này; chưa đơn vị nào đứng ra thu gom, tái chế hiệu quả cao.
Để chủ trương tái chế, tái sử dụng rác thải đạt hiệu quả cao, Thành phố cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tái chế chất thải rắn công nghiệp; đồng thời, có đề án nghiên cứu, đánh giá hiện trạng rác thải rắn công nghiệp trên địa bàn thành phố; qua đó các ngành chức năng có định hướng sử dụng hiệu quả, lâu dài.
Theo Ximang.vn/Báo Hải Phòng