Vật liệu xây không nung: Vì sao chưa đi vào cuộc sống?

08-04-2015
(Xây dựng) - Từ khi Chính phủ có quyết định 567/QĐ-TTg về chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN), nhiều DN đã hưởng ứng đầu tư dây chuyền thiết bị máy móc để sản xuất. Tuy nhiên, đến nay số lượng VLXKN được sử dụng ở các công trình vẫn là con số khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân khiến loại vật liệu này khó đi vào công trình, trong đó có thói quen tiêu dùng cũng như tính năng của mỗi loại sản phẩm được sử dụng khác nhau.

 

Hiện nhiều DN đầu tư dây chuyền sản xuất VLXKN hiện đại.

Thói quen và giá thành

Vì sao VLXKN chưa thể đi vào cuộc sống? Nhiều người cho rằng do thói quen sử dụng của người dân. Đúng! Nhưng không hẳn là vậy. Thói quen vẫn có thể thay đổi được theo thời gian khi mà người dân hiểu tác hại của việc sử dụng gạch đất sét nung trong công trình xây dựng. Bên cạnh đó, khi sử dụng gạch không nung không đúng quy trình kỹ thuật đã tạo ra các vết nứt, từ đó gây mất lòng tin đối với người sử dụng.

5 năm qua, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý, cũng như hướng dẫn tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của việc sử dụng VLXKN. Tuy nhiên, nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở nước ta được khai thác dễ dàng, gần như không phải trả tiền nên giá thành của sản phẩm gạch nung rẻ khiến VLXKN khó cạnh tranh. Hiện chỉ có một số loại gạch Block kích thước lớn, lỗ rỗng mới có ưu thế về giá, các loại gạch block đặc và đặc biệt là gạch nhẹ thì giá thành vẫn cao hơn gạch đất nung. Bên cạnh đó, tay nghề của thợ xây dựng đã quen với việc sử dụng gạch nung từ nhiều đời nay cùng với những dụng cụ đơn giản. Trong khi đó, khi thi công VLXKN đòi hỏi phức tạp hơn từ tay nghề của người thợ cho tới dụng cụ thi công. Nếu thi công không đúng quy trình kỹ thuật thì sản phẩm xây dựng dễ bị lỗi, gây nứt, bể…

Ông Trần Bá Việt - Phó viện trưởng Viện KHCNXD (Bộ Xây dựng) cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nứt chân chim, nứt tường khi sử dụng VLXKN. Trong đó có nứt xuyên tường do chêm không đúng, góc nối không đúng, liên kết không đúng… Để chống nứt xuyên tường thì nguyên liệu gạch đầu vào phải đáp ứng độ ẩm dưới 30% khi xây tường, vữa phải đảm bảo phù hợp và nhịp của tường không quá 4m, chiều cao tới giằng không quá 2 - 2,4m.

Cần phân loại và mục đích sử dụng

Theo TS Trần Văn Huynh - nguyên Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, gạch không nung có 3 chủng loại chính gồm: Gạch block (gạch xi măng cốt liệu); gạch bê tông khí chưng áp AAC và gạch bê tông bọt; ngoài ra còn một số loại VLXKN khác nhưng số lượng không đáng kể. Tuy khác nhau về thành phần nguyên liệu cũng như cách thức sản xuất, nhưng các loại sản phẩm này đều có chung những ưu điểm như đẩy nhanh tiến độ xây dựng; giảm chi phí kết cấu nền móng; tiết kiệm năng lượng... Tuy vậy, mỗi một loại lại được sử dụng ở mỗi công trình khác nhau, cũng như đối tượng dùng khác nhau.

Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh - chủ nhiệm bộ môn VLXD, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, để VLXKN đi vào cuộc sống thì phải phân loại gạch VLXKN chứ không thể nói chung chung là VLXKN, bởi loại nào dùng cho công trình nào, ở đâu. Giới thiệu cho người cần chứ không nói chung chung chẳng ai hiểu chúng như thế nào. “Phải tìm hiểu phân tích thị trường để phân loại đối tượng sử dụng là những ai. Chẳng hạn như gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí… phải phân loại ra vì viên gạch không phải là viên chịu lực thì làm sao bắt nó phải chịu lực thì nó chẳng hỏng. Khi thiết kế phải sử dụng chúng đúng chức năng mục đích. Bản chất của gạch ACC là xốp, cách nhiệt thì phải chúng đúng với chức năng đó”, PGS.TS Chánh phân tích.

Theo PGS.TS Chánh, một nguyên nhân nữa khiến loại VLXKN khó đi vào thị trường nữa là định mức giá thành cho mét vuông tường xây. Ở nước ngoài không có định mức kinh tế để khóa chốt cho người làm, mà chỉ có định mức cho chất lượng và hoàn thiện sản phẩm. Vì vậy thời gian qua, các DN sản xuất gạch nhẹ chủ yếu là bán cho nước ngoài vì nó không có định mức như ở Việt Nam. Nước ngoài họ cứ làm rồi tính ra tiền, còn mình thì duyệt tiền công trình đó bao nhiêu mới cho làm. Định mức giá thành là cơ chế định mức, nước ngoài không có cơ chế đó mà thuộc vào công trình. “Hiện nay trong khâu thiết kế và duyệt thiết kế của chúng ta đang mắc ở khâu này, chính vì vậy đơn vị thiết kế mà thiết kế đủ thì công trình không được cơ quan quản lý duyệt cho phép, còn nếu thiết kế để được duyệt thì công trình đó sử dụng vật liệu không đảm bảo. Để đưa được VLXKN vào cuộc sống thì cần phải phân loại từng loại vật liệu này để đưa vào thị trường áp dụng cho hợp lý chứ không phải đưa lung tung. Khắc phục nhược điểm để hoàn thiện, và định mức giá thành cho phép thì loại vật liệu này sẽ chạy. Bán cho người cần chứ không phải cứ tung ra thị trường chung, phân loại gạch ACC chỉ sử dụng cho công trình nào cho hợp lý, định mức đó là trên sản phẩm hoàn thiện chứ không phải trên mét vuông tường”, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh cho biết thêm.

 

(Theo báo xây dựng)

TIN MỚI ĐĂNG