Kỳ 1: Amiăng - Sứ mệnh lịch sử

15-01-2015
Trong những chuyến công tác vùng cao, tôi vẫn nhớ hình ảnh bà con dân tộc gùi từng tấm lợp amiăng (còn gọi fibro ximăng) trĩu trên đôi vai về bản. Đối với họ, những tấm lợp này quý giá không kém gì gạo, ngô ở trên nương, vì được dùng để lợp nhà giúp tránh mưa, tránh nắng.
Thành phẩm tấm lợp amiăng.

Hàng tỷ m2 tấm lợp amiăng hữu ích

Amiăng là khoáng chất tồn tại trong tự nhiên, được khai thác thành sản phẩm thương mại từ hơn 100 năm nay. Có nhiều loại amiăng khác nhau như amiăng trắng, xanh, nâu... trong đó, amiăng được sử dụng ở Việt Nam từ năm 1963 chủ yếu là amiăng trắng và được dùng để sản xuất tấm lợp fibro ximăng.

Ông Lê Thế Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - khẳng định, không thể phủ nhận những đóng góp của amiăng đối với đời sống xã hội. Tấm lợp amiăng là sản phẩm vật liệu hữu dụng đối với nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ có thu nhập thấp.

Đặc biệt, khi cần khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, các thảm họa thiên nhiên hoặc các tình huống khẩn cấp thì tấm lợp amiăng là mặt hàng dễ huy động, chi phí thấp, bền, nhẹ, dễ sử dụng, giúp nhanh chóng tạo ra chỗ ở tạm cho người dân. “Tính đến nay đã có hàng tỷ m2 và hàng chục triệu người ở Việt Nam đã sử dụng tấm lợp amiăng” - ông Ngọc nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Văn Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh - bày tỏ, mỗi sản phẩm vật liệu xây dựng đều hướng tới một phân khúc thị trường nhất định, trong đó tấm lợp amiăng là lựa chọn của các hộ dân nghèo. 60% sản phẩm tấm lợp của công ty đã có mặt ở vùng cao và những nơi khó khăn.

Ông Lê Thế Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Năm 2014, hoạt động kinh doanh của các DN sản xuất tấm lợp amiăng gặp khó khăn. Sản lượng sản xuất tấm lợp amiăng chỉ đạt khoảng 79,12 triệu m2, tiêu thụ đạt 76,9 triệu m2, trong khi công suất thực tế có thể đạt 100 triệu m2/năm.

Các tấm lợp này có mức giá chỉ từ 25 - 30 nghìn đồng/m2, trong khi lợp các vật liệu khác như ngói, tôn sẽ đắt hơn gấp 4- 5 lần. Nếu lợp một ngôi nhà bằng loại fibro ximăng chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng, thì lợp bằng tôn sắt mất khoảng 50 triệu đồng. Chưa kể, độ bền của tấm lợp amiăng cũng cao gấp 5 -10 lần so với các loại tấm lợp khác. Vì vậy, nhiều năm nay, tấm lợp fibro ximăng đã gắn bó với người dân và được họ ưa chuộng.

Trở thành ngành công nghiệp

Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - Bộ Công Thương - cho biết, Việt Nam hiện có 41 doanh nghiệp (DN) sản xuất tấm lợp, phân bố ở 23 tỉnh, thành phố và 6-7 đơn vị nhập khẩu amiăng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Hàng năm, lượng amiăng nguyên liệu nhập khẩu dao động từ 50-60 nghìn tấn, Việt Nam sản xuất khoảng 90 triệu m2 tấm lợp. Từ 10 năm nay, Việt Nam luôn đứng trong nhóm 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay ngành sản xuất tấm lợp amiăng ở Việt Nam đã phát triển thành một ngành công nghiệp. Tấm lợp loại này chiếm khoảng 30-35% thị phần tấm lợp các loại và đáp ứng 62% nhu cầu người dân hàng năm. Công ty CP Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng Đông Anh mỗi năm sản xuất khoảng 20 triệu m2 tấm lợp đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm của công ty còn xuất khẩu sang Angola.

Cũng theo Bộ Xây dựng, nhu cầu của xã hội về tấm lợp amiăng rất lớn, nếu Việt Nam cấm sản xuất tấm lợp có amiăng thì nguy cơ tấm lợp có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ nhập lậu “ồ ạt” vào Việt Nam. Bởi Trung Quốc là một nước có mỏ amiăng lớn, sản lượng sản xuất hàng năm dao động khoảng 500.000 tấn, chỉ sau Nga. Hiện, lượng tấm lợp của Trung Quốc tại các tỉnh miền Bắc giáp với Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam chiếm khoảng 15%.

Lan Anh - Quỳnh Nga - Báo Công thương

TIN MỚI ĐĂNG