Những thách thức của ngành Tấm lợp fibro xi măng Việt Nam

11-09-2013
Những thách thức của ngành Tấm lợp fibro xi măng Việt Nam 30/5/2013 17:10 Chưa có một ngành sản xuất nào chịu nhiều bước thăng trầm, nhiều áp lực cạnh tranh từ các đối thủ có quan điểm chống amiăng và chịu áp lực quản lý về chất lượng sản phẩm, môi trường và y tế từ nhiều bộ, ngành như ngành Tấm lợp fibro xi măng.

 75% năng lực toàn ngành được cơ giới hóa và tự động hóa

Đến cuối năm 2012, toàn ngành có 39 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng với 53 dây chuyền có tổng công suất thiết kế 106 triệu m2/năm, trong đó, các tỉnh phía Bắc chiếm 60,4%, các tỉnh miền Trung 22,6%, các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long 17%.

Cũng như ngành VLXD, năm 2012 ngành Tấm lợp fibro xi măng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, do các yếu tố đầu vào biến đổi tăng liên tục, thị trường tiêu thụ giảm: DN khó tiếp cận vốn vay, lãi suất vay cao; Giá xăng dầu, điện, giá vận tải, tiền lương tăng liên tục; Thị trường BĐS đóng băng, đầu tư công giảm, đầu tư xây dựng cơ bản giảm, nên sức mua giảm, sản phẩm tồn kho nhiều; Sản phẩm nhập khẩu tăng, làm cạnh tranh giữa sản phẩm nội và ngoại càng gay gắt; Giá sợi amiăng liên tục tăng, nguồn cung nhiều lúc không đáp ứng tiến độ, kế hoạch sản xuất gây khó khăn cho nhiều DN sản xuất tấm lợp…

Các DN ngành tấm lợp đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục khó khăn như: Tạm ngừng sản xuất một số tháng để giảm lượng tồn kho sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Một số DN quy mô nhỏ, thương hiệu, chất lượng chưa ổn định, sản phẩm chưa hấp dẫn người tiêu dùng thì tiêu thụ khó khăn. Có khoảng 30% số DN phải ngừng sản xuất 1 - 2 tháng, thậm chí có một vài DN phải tạm ngừng sản xuất 3 - 4 tháng để giảm lượng tồn kho sản phẩm.

Kết quả 2012 toàn ngành đạt được:

- Sản xuất: 85 triệu m2/năm, đạt mức huy động công suất thiết kế 80,19%; Tiêu thụ: 79 triệu m2/năm

- Lượng tồn kho: 8 - 10%. Có một số đơn vị tồn kho: 15 - 20%;

- Giá bán:

+ Khu vực phía Nam: 50.000 - 51.000 đ/tấm.

+ Tấm lợp Đông Anh: 42.000 - 44.000 đ/tấm.

+ Một số đơn vị phía Bắc: 36.000 đ/tấm.

Bên cạnh phải gồng mình lên để tồn tại, ngành tấm lợp xác định: Chất lượng sản phẩm, môi trường, an toàn cho người sản xuất là vấn đề sống còn của ngành, đầu tư là để tồn tại và phát triển. Sau khi có Quyết định 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thì DN an tâm hơn trong đầu tư cải tạo, hiện đại hóa công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường. Theo đó, nhiều giải pháp công nghệ cho việc xử lý môi trường: Xử lý bụi, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, trộn amiăng - ximăng trong thùng kín, tạo sóng bằng máy hút chân không, làm ẩm amiăng và môi trường trước khi gia công đã được áp dụng. Đến hết năm 2012, có 33 dây chuyền sản xuất (chiếm 75% công suất thiết kế) được đầu tư cải tạo đạt mức độ cơ giới hóa, tự động hóa trung bình khá trở lên, trong đó có 10 dây chuyền (khoảng 35% năng lực toàn ngành) có mức độ tự động hóa khá. Trong bối cảnh tiếp cận vốn vay khó khăn, lãi suất vay cao, thì đây là một cố gắng lớn của các DN.

Thách thức lớn

Trong quá trình tồn tại và phát triển, ngành sản xuất tấm lợp fibro xi măng có nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải đồng sức, đồng lòng để vượt qua. Hoạt động chống đối của các tổ chức chống amiăng ngày càng rộng, gay gắt và tinh vi như: Thông qua Chương trình loại bỏ bệnh nghề nghiệp liên quan đến amiăng, bằng cách tài trợ cho một số DA, vận động Bộ Y tế tác động lên Chính phủ Việt Nam cấm sử dụng amiăng; Thông qua Hội nghị Công ước Roterdam được tổ chức hai năm một lần, các Tổ chức chống amiăng vận động đưa amiăng chrysotile vào phụ lục số 3, nhằm cấm hoặc hạn chế, kiểm soát gắt gao việc vận chuyển để gây khó, dễ cho các nước đang sử dụng amiăng chrysotile; Tài trợ cho các Hội thảo khoa học, lồng ghép tuyên truyền thổi phồng mức độ độc hại của amiăng gây hoang mang người tiêu dùng, vận động người tiêu dùng tẩy chay các sản phẩm có chứa amiăng làm cho ngành công nghiệp sử dụng sợi amiăng tự triệt tiêu.


Các nhà chuyên môn đọc phim chụp kiểm tra sức khỏe của người lao động trong ngành tấm lợp.

Mặt khác, chủ trương cho phép sử dụng amiăng chrysotile để sản xuất tấm lợp chưa có tính ổn định lâu dài vì vậy DN chưa an tâm trong đầu tư mới, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Vẫn còn một số dây chuyền sản xuất đầu tư cải tạo môi trường, hiện đại hóa công nghệ còn nửa vời, chưa triệt để, chất lượng sản phẩm không cao và khả năng cạnh tranh thấp, chiếm tới 25% công suất toàn ngành, nguy cơ làm mất uy tín của ngành Tấm lợp fibro xi măng, khi cơ quan quản lý nhà nước xiết chặt công tác quản lý.

Năng lực cung hiện nay đã vượt cầu, thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm, ảnh hưởng của sự giảm sút đầu tư cơ sở hạ tầng và sự đóng băng của thị trường BĐS, làm cho sự cạnh tranh giữa các DN trong ngành gay gắt hơn. Có hiện tượng lợi dụng sự quản lý chất lượng chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước để tiêu thụ các sản phẩm chưa đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật. Sợi amiăng chrysotile càng ngày càng khan hiếm số lượng nhà cung cấp giảm dễ dẫn đến độc quyền, tăng giá gây thiệt hại cho nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Phát triển dòng sản phẩm mới để mở rộng thị trường xuất khẩu

Sản phẩm tấm lợp fibro xi măng có độ bền cao, chịu được tác động của khí hậu nhiệt đới, khí hậu ven biển, giá rẻ, đang là sự lựa chọn của người dân có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ở những vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ, lốc xoáy, mưa đá. Nhu cầu tấm lợp giá rẻ rất lớn hàng năm, do đó nó phải được phát triển. Để phát triển rất cần một chính sách lâu dài, ổn định cho ngành Tấm lợp fibro xi măng và hướng trọng tâm của ngành trong những năm tới các DN sản xuất tấm lợp fibro xi măng tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg. Đối với các dây chuyền hiện có, không ngừng đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, xử lý triệt để, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường đáp ứng các quy chuẩn về môi trường và y tế, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật QCKT 16-4:2011/BXD. Đối với đầu tư mới, thì đầu tư công nghệ hiện đại, mức độ tự động hóa cao, cho phép đa dạng hóa các dạng sản phẩm, cũng như cho phép sử dụng các loại nguyên liệu đầu vào khác nhau.

Bên cạnh đó, quan tâm phát triển các dòng sản phẩm dựa trên cơ sở công nghệ Hatschek (công nghệ xeo cán) để đa dạng các loại sản phẩm như ngói màu không nung, tấm trần tấm tường, các sản phẩm tấm lợp sử dụng các loại sợi tổng hợp (sợi PVA), sợi hữu cơ làm sợi gia cường, nhằm tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng đồng thời cho phép mở rộng thị trường xuất khẩu… Muốn vậy, các DN cần thiết phải xây dựng các thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm của mình. Mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Mianma, Châu Phi.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện công nghệ, xử lý ô nhiễm, khám bệnh nghề nghiệp, khảo sát, tổng kết để có những đánh giá khoa học, khách quan về kết quả sử dụng amiăng để sản xuất tấm lợp ở Việt Nam làm bằng chứng thuyết phục và sinh động để bảo vệ chủ trương của Chính phủ cho phép sử dụng amiăng chrysotile có kiểm soát để sản xuất tấm lợp.

Một hoạt động cần thiết và thường xuyên là tham gia phản biện vạch rõ sự sai trái của việc tuyên truyền phóng đại, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn về sự độc hại của amiăng gây hoang mang cho dư luận và người tiêu dùng nhằm mục đích loại bỏ amiăng.

Admin

TIN MỚI ĐĂNG