CôngThương - Ông Võ Quang Diệm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam - cho biết, dự kiến năm 2012, toàn ngành đạt chỉ tiêu thấp về sản xuất và tiêu thụ, độ 90-95% kế hoạch năm, sản lượng ước khoảng 75 triệu m2.
Nguyên nhân chính là chịu ảnh hưởng của cắt giảm đầu tư công. Trước đây, Chính phủ có chính sách hỗ trợ dân tái định cư, khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn và chương trình khắc phục bão lũ thiên tai, nên sản phẩm tấm lợp được kích cầu. Nay nguồn hỗ trợ của nhà nước giảm đi, tiêu thụ tấm lợp khó khăn.
Mặt khác, một số địa phương vẫn tiếp tục cho đầu tư nhà máy mới nên dẫn tới cung vượt cầu. Ngoài ra, các yếu tố đầu vào như amiăng, điện, xăng dầu, tiền lương tăng liên tục làm giá thành sản phẩm tăng, trong khi sản phẩm chủ yếu phục vụ người nghèo nên càng khó tiêu thụ.
Để vượt qua khó khăn hiện nay, ông Diệm cho rằng, doanh nghiệp phải căn cứ nhu cầu thực tế của thị trường để sản xuất, thậm chí có nơi phải ngừng sản xuất.
Tính đến tháng 8/2012, số nhà máy tấm lợp ngừng sản xuất ở mức cao trong khi lượng tồn kho toàn ngành khoảng 13-15%, hơn mức dự kiến trước đó là 10 -12%, thậm chí có doanh nghiệp tồn kho đến 25%.
Hiệp hội kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như đề nghị Chính phủ có gói kích cầu cho người tiêu thụ sản phẩm tấm lợp bằng cách ưu đãi lãi suất cho vay như quyết định 497/2009/QĐ-TT.
“Mặc dù sản xuất cầm chừng nhưng Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam vẫn yêu cầu các thành viên phải đảm bảo chất lượng sản phẩm, bán theo giá công bố, cạnh tranh lành mạnh”- ông Diệm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Diệm cho rằng, nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm tấm lợp không dùng amiăng, tạo thêm lựa chọn cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, sau khi có quyết định 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành tấm lợp đã tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tiến thiết bị, công nghệ xử lý chất thải.