Xử lý tro xỉ làm nguyên liệu sản xuất VLXD: Vì sao còn hạn chế?

10-08-2016
(Xây dựng) - Ước tính, ở Việt Nam, lượng tro xỉ được sử dụng làm VLXD mới chỉ đạt khoảng 10%, còn lại là chôn lấp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia khác đạt khoảng 80 - 90%. Câu hỏi là vì sao việc xử lý tro xỉ làm VLXD ở Việt Nam còn khiêm tốn như thế?

Kỳ 1: Doanh nghiệp chưa có lợi?

Có chính sách

Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng cho biết: Cả nước hiện có 19 nhà máy nhiệt điện và nhiều nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, luyện thép đang hoạt động. Hàng năm, các nhà máy này thải ra môi trường khoảng 11 triệu tấn tro, 5 triệu tấn xỉ đáy lò và khoảng 4 triệu tấn bã thạch cao.

Và theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ còn có thêm nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than và nhiều cơ sở sản xuất phân bón. Dự kiến, hàng năm các nhà máy này phát thải 30 - 40 triệu tấn phế thải. Để có thể chứa chỗ phế thải đó, cần khoảng 600 nghìn hec-ta, tức là cứ 4 năm thì sẽ mất diện tích của một xã trung bình.

Trước thực trạng trên, ngày 23/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất. Mục tiêu của các giải pháp này là xử lý phế thải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất VLXD, cũng như sử dụng trong xây dựng. Các giải pháp này đồng thời giúp giảm diện tích bãi thải; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong sản xuất VLXD.

Vụ trưởng Lê Văn Tới nhận định: Trước đây, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy phân bón, hóa chất chỉ chú ý đến sản phẩm, trong khi phế thải của nhà máy thì chưa được quan tâm đúng mức. Quyết định 1696 đã “cột” trách nhiệm các nhà máy nhiệt điện chạy than, nhà máy phân bón hóa chất phải phân loại, sơ chế đảm bảo đủ tiêu chuẩn sử dụng làm VLXD, nguyên liệu sản xuất VLXD. Theo quy định, nhà máy nhiệt điện mới đầu tư chỉ được sử dụng bãi chứa chất thải trong vòng 2 năm. Các nhà máy được đầu tư trước đó, thì từ nay đến năm 2020 sẽ phải rà soát lại diện tích sử dụng bãi phế thải thừa và cũng chỉ được sử dụng trong 2 năm. Số diện tích dôi ra phải được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Điều đáng mừng là khi Quyết định 1696 có hiệu lực, không chỉ các Bộ, ngành, địa phương mà cả các DN cũng đã tham gia vào việc xử lý tro xỉ. Mỗi nhà máy, mỗi cơ sở có một điều kiện riêng nhất định. Nhà máy gần đường giao thông thì phát thải được sử dụng thuận lợi hơn. Đơn cử như các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình, Cao Ngạn đã xử lý gần như không còn phế thải. Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn thì đã có hướng xử lý phát thải ngay từ khi nhà máy đi vào vận hành. Một số nhà máy khác còn phế thải hiện nay cũng đã có những hướng xử lý, tiêu thụ tro xỉ đó...

Nhưng vẫn thiếu chế tài

Mặc dù việc xử lý tro xỉ làm VLXD có được kết quả ban đầu nhưng ước tính ở nước ta, lượng tro xỉ được sử dụng làm VLXD mới chỉ đạt khoảng 10%, còn lại là chôn lấp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các quốc gia khác đạt khoảng 80 - 90%.

Lý giải về thực trạng này, ông Lương Đức Long - Viện trưởng Viện VLXD cho biết: Các nước khác đã phát triển nền công nghiệp cách đây 50 - 60 năm. Trải qua một quá trình mầy mò, nghiên cứu đến nay các nước trên thế giới đã tìm ra được giải pháp tốt hơn nước ta, cho nên phế thải của họ được sử dụng nhiều hơn.

Cụ thể, qua một quá trình phân tích, nghiên cứu, hướng dẫn các nhà sản xuất VLXD, ở các nước đều biết phế thải công nghiệp là một nguồn nguyên liệu có thể dùng được. Các nhà khoa học, Nhà nước, các DN tự nghiên cứu và nắm được phương pháp là sử dụng thế nào cho hiệu quả sản phẩm của mình. Và đặc biệt, việc sử dụng xỉ thải làm VLXD đem lại nhiều lợi ích cho DN. Nếu họ mua các nguyên liệu khác để sản xuất thì phải bỏ tiền ra, còn khi sử dụng phế thải thì được trả thêm tiền. Ở Nhật Bản, cứ dùng 1 tấn tro bay để tái chế sản xuất bất cứ VLXD nào thì DN đều được nhận hơn 30 USD/tấn. Ngoài ra vật liệu tái chế sẽ được dán nhãn xanh, giúp DN dễ bán hàng hơn và được Nhà nước vinh danh.

Trong khi đó ở nước ta không phải nhà sản xuất nào, DN nào cũng biết là phế thải có thể dùng để thay thế nguyên liệu tự nhiên để tạo ra sản phẩm. Không phải DN nào cũng biết cách dùng cho hữu ích và hiện tại dùng chưa thấy lợi gì. Khi dùng tro bay, DN vẫn phải bỏ tiền ra mua. Việt Nam cũng chưa có cơ chế để người dân sử dụng vật liệu có nguyên liệu tái chế. Người dân chưa ý thức được rằng 2 vật liệu giống nhau nhưng vật liệu nào sử dụng nguyên liệu tái chế là DN đó có trách nhiệm với xã hội và có trách nhiệm với môi trường, để từ đó, cùng 1 giá thì người dân sẽ mua vật liệu có nguyên liệu tái chế.

Hơn thế, giữa Việt Nam và thế giới, việc sử dụng tro xỉ cũng còn có nhiều điểm khác biệt. Đối với tro bay chẳng hạn, than antraxit rất khó đốt. Khi nhà máy nhiệt điện thải ra xỉ than, tro bay thì trong tro vẫn còn lượng than chưa cháy lớn. Hiện việc tái chế để ra tro bay đủ tiêu chuẩn sử dụng làm VLXD rất ít cơ sở làm.

Theo ông Long, một lý do nữa khiến các nhà tái chế tro bay chưa mặn mà đầu tư tái chế là vì nước ta đã có tiêu chuẩn quy định chất lượng tro bay khác nhau để đảm bảo đưa sử dụng vào các sản phẩm VLXD khác nhau như gạch, vữa, xi măng, bê tông có cốt thép và bê tông không có cốt thép… Tuy nhiên, việc kiểm soát tiêu chuẩn tro bay vẫn còn buông lỏng. Việc sử dụng tro bay không đúng tiêu chuẩn cũng chưa được kiểm soát. Các cơ sở sản xuất tái chế phải đi mua tro bay của nhà máy nhiệt điện đồng thời phải chi phí cho công nghệ tái chế cao cho nên giá bán ra sản phẩm cao. Trong khi, hầu hết các nhà sản xuất VLXD khác rất vô tư khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên thoải mái, giá cả rẻ.

 

Quý Anh - Báo VLXD

TIN MỚI ĐĂNG