Kiểm soát sử dụng amiang trắng: Bài toán kinh tế và thực thi luật pháp

03-12-2015

Nếu cấm sử dụng amiang trắng, người dân sẽ phải mất hàng trăm tỷ đồng thay thế tấm lợp vật liệu mới và nếu quản lý tốt sẽ không lo ngại ảnh hưởng sức khỏe con người.

Hiện đang còn nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế về việc amiang trắng có gây hại cho sức khỏe con người, cụ thể có gây ung thư phổi và ung thư trung biểu mô hay không. Với cách tiếp cận từ kinh doanh đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo liên quan đến việc quản lý, sử dụng amiang trắng.

Theo quan điểm của TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện CIEM: “Chúng tôi tiếp cận vấn đề ở góc độ sử dụng và kinh doanh đầu tư. Nếu cấm sử dụng amiang trắng cũng có nghĩa là cấm đầu tư kinh doanh hoặc đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hai vấn đề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện là nội dung quan trọng trong điều 6 và 7 của Luật Đầu tư có hiệu lực từ 1/7/2015. Nếu đầu tư có điều kiện thì đó là điều kiện gì và như thế nào?”.

Tăng cường quản lý hay cấm?

Trả lời câu hỏi cấm hay không cấm amiang ở Việt Nam, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương – Trưởng phòng pháp luật Kinh tế - Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Trên thế giới và ở Việt Nam, có vẻ như quyết tâm cấm sử dụng amiang trắng có chiều hướng giảm dần. Việt Nam đặt mục tiêu không sử dụng amiang trắng từ năm 2004, sau đó lùi đến 2020 và gần đây nhất là “tiến tới không sử dụng vật liệu này vào năm 2030”.

kiem soat su dung amiang trang: bai toan kinh te va thuc thi luat phap hinh 0
Người dân ở các vùng khó khăn vẫn cần các tấm lợp AC

Theo khảo sát, nghiên cứu của ông Ngô Dương, Thái Lan cũng tương tự, năm 2011 cũng đã định dừng nhưng sau đó Chính phủ lại giao cho Bộ Công nghiệp tiếp tục nghiên cứu và họ cho rằng những chứng cứ của sự trì hoãn này chưa đầy đủ. Tuy không cấm nhưng phần kiểm soát lại có vẻ nặng hơn. Trước hết, Thái Lan đưa amiang trắng vào danh mục hóa chất nguy hiểm; đặt tiêu chuẩn xả bụi thấp hơn và đặt cảnh báo sử dụng, cấm phát triển ứng dụng mới loại vật liệu này. Amiang nâu, xanh bị cấm tuyệt đối, chỉ amiang trắng được phép xuất, nhập khẩu, sản xuất, chế biến và sử dụng.

Dẫn chứng thêm về cách ứng xử với amiang trắng của một số nước Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Brazil, Nga, Canada, Mỹ, ông Ngô Dương cho biết: Các nước sản xuất hàng đầu như Nga và Brazil vẫn giữ nguyên quan điểm về khai thác, chế biến, sản xuất amiang trắng cho mục đích dân sự. Nga và Philippines đã lập Chương trình quốc gia về xóa bỏ các bệnh liên quan đến amiang theo khuyến nghị của WHO. Tuy nhiên, không có hành động nào liên quan đến cấm amiang trắng.

Về khung pháp luật đối với amiang trắng, theo ông Dương, các nước không có quy định riêng nào đối với amiang, thủ tục xuất nhập khẩu amiang trắng giống như đối với hóa chất nguy hiểm. Việc vận chuyển amiang trắng cũng phải tuân thủ các qui định ngặt nghèo như: Nguyên liệu, phế thải amiang thuộc trường hợp nguy hại phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật và có nhãn hiệu cảnh báo. Amiang nguyên liệu được đóng trong thùng kín, chắc chắn. Nếu bao bì mềm thì phải đặt vào thùng kín. Amiang dạng bột thì đóng trong bao bì mềm, chắc và đặt trong thùng kín. Amiang nguyên liệu cũng như phế thải đều được lưu trữ nghiêm ngặt. Phải có bao bì chắc chắn, bảo đảm không bị thoát bụi ra ngoài trước khi xếp kho. Đặt trong kho có mái che, không bị ẩm. Nếu amiang được ngâm cố định trong vật liệu kết dính tự nhiên hoặc nhân tạo như fibro cement, nhựa đường,… thì không cần áp dụng các điều kiện trên. “Tất cả các nước trong phạm vi chúng tôi khảo sát, nghiên cứu cũng có quy định về an toàn lao động và sức khỏe công nhân” – ông Dương nói.

Gợi ý chính sách cho Việt Nam, ông Ngô Dương nói: “Nghiên cứu so sánh này cho thấy về mặt kỹ thuật lập pháp, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều: Từ các quy định sản phẩm bị cấm đến việc xử lý phế thải hay việc xây dựng quy chế amiang trắng dưới dạng sổ tay. Chính sách nên được dựa trên những phân tích kinh tế, xã hội và các bằng chứng khoa học, những nghiên cứu so sánh chỉ mang ý nghĩa tham khảo”.

“Hiển nhiên, amiang là một chất độc hại nhưng nếu sử dụng nó một cách an toàn có kiểm soát thì kết quả sẽ khác” – ông Ngô Dương nhấn mạnh.

Theo quan điểm của nhiều nhà khoa học, quản lý, các qui định, tiêu chuẩn môi trường, an toàn trong việc sử dụng amiang trắng của chúng ta đều đã có. Tuy nhiên, thực tế nhiều đơn vị chưa thực thi nghiêm. Thời gian tới, nếu tiếp tục sử dụng amiang trắng thì việc quản lý, thực thi phải nghiêm khắc hơn.

Và bài toán kinh tế

Đánh giá tác động kinh tế của việc cấm amiang trắng ở Việt Nam, bà Nguyễn Minh Thảo – Phó trưởng ban - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Việc cấm sử dụng amiang trắng ở Việt Nam sẽ tạo ra các tác động kinh tế tới người tiêu dùng, người lao động, doanh nghiệp cũng như Chính phủ. Đối với người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm dân cư thu nhập thấp, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ, giá sản phẩm tấm lợp AC rẻ là một lựa chọn ưu tiên của họ. Nếu áp dụng cấm sử dụng amiang trắng, các hộ gia đình sẽ bị thiệt hại với các chi phí gồm: tháo dỡ tấm lợp AC và lắp đặt tấm lợp mới; và chi phí mua tấm lợp sử dụng vật liệu khác.

Tổng chi phí tháo dỡ và lắp đặt sản phẩm thay thế và chi phí mua sản phẩm thay thế đối với người tiêu dùng, mức chi phí thấp nhất là tấm lợp PVA (145,998.5 tỉ đồng), song tuổi thọ ngắn, chỉ 18-20 năm. Mức chi phí cao nhất là Ngói đất sét nung tráng men Hạ Long (346,437.0 tỉ đồng), đạt tuổi thọ trên 50 năm.

“Việc cấm sử dụng amiang trắng ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Có thể thấy giá của tất cả các sản phẩm thay thế đều cao hơn so với giá của tấm lợp AC, trong khi tuổi thọ của sản phẩm thậm chí ít hơn. Nhìn chung ở Việt Nam hiện nay, các sản phẩm thay thế tấm lợp AC ở phân khúc thị trường thu nhập thấp không nhiều. Các sản phẩm thay thế đều có giá cao hơn giá tấm lợp AC. Những sản phẩm có tuổi thọ tương đương thì giá cao hơn từ 3 – 5 lần” – bà Thảo nói.

kiem soat su dung amiang trang: bai toan kinh te va thuc thi luat phap hinh 1
 

Việc cấm sử dụng amiang trắng ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người lao động trong ngành sản xuất tấm lợp AC, nhưng chi phí này thấp hơn nhiều so với chi phí ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Tổng chi phí tác động tới ngành sản xuất tấm lợp là 395.2 tỉ đồng, trong đó ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất là 343.5 tỉ đồng và thu nhập mất đi của người lao động trong 6 tháng là 15.7 tỉ đồng. Còn mức chi phí thấp nhất để tháo dỡ và lắp đặt sản phẩm thay thế và mua sản phẩm thay thế đối với người tiêu dùng là 145,998.5 tỉ đồng (trường hợp sản phẩm tấm lợp PVA).

Từ các khảo sát của nhóm nghiên cứu của CIEM, bà Thảo cho rằng, tấm lợp AC là lựa chọn phù hợp cho phân khúc thị trường thu nhập thấp, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng hay gặp thiên tai, bão lụt. Do vậy, nên xem xét cho phép phát triển sản phẩm tấm lợp AC với điều kiện tuân thủ đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích phát triển các sản phẩm sợi thay thế phù hợp, đảm bảo an toàn về môi trường và sức khỏe. Nhờ đó, tăng cơ hội lựa chọn các sản phẩm đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà Thảo cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển các sản phẩm sợi thay thế cũng cần phải được nghiên cứu, kiểm chứng về tác hại của sản phẩm tới môi trường, sức khỏe trước khi đưa vào sử dụng. Những tác động của amiang nói chung và amiang trắng nói riêng đối với sức khỏe người lao động đã được đánh giá, nghiên cứu qua hơn 100 năm qua, trong khi các loại sợi khác mới chỉ được đưa vào sử dụng gần đây (từ 10 – 20 năm).

Theo TS Nguyễn Đình Cung, qui luật của thị trường, ngành này mất đi thì ngành khác nổi lên. Các nghiên cứu khoa học hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai có thể lại thay đổi. Vấn đề là chúng ta cần thông tin khách quan để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp cho mình.

Theo VOV.vn

TIN MỚI ĐĂNG