PV: Tấm lợp Fibro xi măng có giá thành rẻ, độ bền cao nhưng quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Xin ông cho biết về vấn đề này? Vì sao Hiệp hội vẫn khuyến khích phát triển?
TS Võ Quang Diệm:
Giá thành rẻ, độ bền cao, chịu được sự tác động của khí hậu nóng ẩm nhiệt đới, đặc biệt là khí hậu ven biển là tính ưu việt được khẳng định gần 50 năm tồn tại của tấm lợp phibro xi măng ở Việt Nam, chưa có loại tấm lợp nào cạnh tranh được. Nhờ đó, tấm lợp phibro xi măng đang là sự lựa chọn của người dân có thu nhập thấp ở các vùng nông thôn, miền núi, đồng bằng sông Cửu Long và ở những vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ.
Nếu ai đó nói rằng, sản xuất tấm lợp phibro xi măng gây ô nhiễm môi trường, thì tôi có thể khẳng định rằng không đúng và không hiểu biết.Trong 51 cơ sở sản xuất phải di dời địa điểm trước 2005 theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, ngành tấm lợp không có cơ sở nào. Trong 388 cơ sở sản xuất phải đầu tư cải tạo môi trường, ngành tấm lợp có 02 cơ sở phải cải tạo hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, các đơn vị này đã nghiêm chỉnh chấp hành và được đưa ra khỏi danh sách của Quyết định 64 từ 2005.
Hiện nay, ngành sản xuất tấm lợp có 43 cơ sở sản xuất, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 75 – 80 triệu m2 đảm bảo chất lượng và giá rẻ, luôn luôn chịu sự giám sát chặt chẽ của các Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường địa phương. Hàng năm, HHTLVN phối hợp với Bệnh viện Xây dựng tổ chức khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho một số doanh nghiệp của HH, số còn lại do Trung tâm Y tế dự phòng địa phương thực hiện. Công việc tiến hành nghiêm túc, số liệu tin cậy. Số liệu chúng tôi tổng hợp được cho thấy môi trường sản xuất không ngừng được cải thiện và kiểm soát, hầu hết các cơ sở đều đạt các chỉ tiêu quy định của Quy chuẩn Quốc gia về môi trường. Còn một số cơ sở cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện công nghệ thì mới đạt được. Riêng bệnh nghề nghiệp (bệnh bụi phổi amiăng) chỉ bị một trường hợp trong suốt 48 năm tồn tại của ngành.
Liên quan đến vấn đề phát triển loại sản phẩm này thì tôi cho rằng doanh nghiệp được phép sản xuất những gì nhà nước không cấm, đương nhiên phải tuân thủ chặt chẽ các Quy chuẩn quốc gia về môi trường và chất lượng sản phẩm và điều quan trọng nhất là được thị trường chấp nhận. Dân ta nhiều vùng còn nghèo, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, nhu cầu tấm lợp lớn và tấm lợp giá rẻ đang là sự lựa chọn. Hàng năm HHTLVN có chương trình chia sẻ với đồng bào bị thiên tai bão lũ. Năm 2010, HH quyên góp được trên 400 triệu đồng hộ trợ đồng bào Quảng Bình khắc phục thiên tai. Số tiền này Hiệp hội đã mua trên 10.000 tấm lợp fifro-xi măng với giá nội bộ,trực tiếp giao tận tay cho những người chịu thiệt hại thuộc 2 xã Hưng Trạch (5.000 tấm) và Sơn Trạch (5.000 tấm) theo sự chỉ đao , của chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình.Với số lượng tấm lợp trên địa phương có thể lợp mới cho 200 ngôi nhà có diện tích 50m2 một nhà.
PV: Được biết, Hiệp hội đã phối hợp với Viện Công nghệ, Bộ Công thương tìm ra nhiều giải pháp để giúp các nhà máy giảm thiểu ô nhiễm môi truờng ?
TS Võ Quang Diệm:
Quy định tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Các cơ sở sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng chrysotile phải không ngừng đầu tư chiều sâu, hoàn thiện công nghệ, đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và y tế” là sự cho phép sử dụng amiăng chrysotile có điều kiện. Muốn đảm bảo được các yêu cầu trên, phải giảm thiểu và kiểm soát được nồng độ bụi sợi amiăng, bụi xi măng, nước sản xuất phải sử dụng nước tuần hoàn tối đa, chất thải rắn phải giảm thiểu và tái sử dụng. Con đường duy nhất là phải cải tạo, hiện đại hoá dây chuyền công nghệ: tự động hoá cấp liệu, định lượng khâu nghiền trộn amiăng chrysotile, định lượng xi măng, tạo sóng, dỡ khuôn tự động …Hiêp hội TLVN bên cạnh tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin để doanh nghiệp có sự lựa chọn tối ưu nhất, còn là cầu nối giữa doanh nghiệp với các đơn vị tư vấn, các viện nghiên cứu để các sản phẩm nghiên cứu, tư vấn, sản phẩm KHCN được ứng dụng vào thực tế, biến thành lực lượng sản xuất hiệu quả nhất.
Dây chuyền sản xuất tấm lợp Fibro
Viện Công nghệ, Bộ Công thương là đơn vị gắn bó lâu năm với nghề sản xuất tấm lợp phibrô xi măng. Viện có đội ngũ chuyên gia chịu khó nghiên cứu, sáng tạo, làm chủ được công nghệ sản xuất, thiết kế chế tạo, cung cấp dây chuyền đồng bộ sản xuất tấm lợp phibro xi măng công suất 1,0 -2,0 triệu tấm /năm với mức độ tự động hoá cao, chất lượng thiết bị tốt, giả rẻ hơn nhập khẩu. Viện đã cung cấp thiết bị lẻ, cải tạo, hiện đại hoá nhiều công đoạn của nhiều cơ sở sản xuất, góp phần cải tạo môi trường, tăng chất lượng sản phẩm và năng suất lao động. Tôi đánh giá cao đóng góp của Viện Công nghệ trong việc phát triển ngành tấm lợp.
Hiện nay, do vay vốn khó khăn, lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp còn chần chừ, do dự trong đầu tư cải tạo, vì thế HHTLVN sẽ tiếp tục đồng hành với Viện Công nghệ trong thời gian tới.
PV: Thời gian tới, ngoài tấm lợp fibro xi măng, Hiệp hội sẽ định hướng phát triển các loại tấm lợp nào?\
TS Võ Quang Diệm:
Chủ trương của HHTLVN là phải luôn luôn cải tiến mẫu mã, làm mới, đa dạng hoá sản phẩm để tồn tại và phát triển. Ngành sản xuất tấm lợp đương nhiên phải bám sát định hướng của Chính phủ tại Quyết định 121/2008/QĐ-TTg. Tôi nghĩ rằng định hướng phát triển các loại ngói truyền thống, ngói tráng men, ngói trang trí giá trị kinh tế cao dùng cho các nhà biệt thự hoặc xuất khẩu là đúng đắn.Các loại ngói không nung, ngói màu cũng cần phát triển để phục vụ nhu cầu đô thị và nông thôn mới. Các sản phẩm tấm lợp mới như: tấm lợp composite, tấm lợp polycarbonate, tấm lợp polycarbonate-hợp kim nhôm, tấm lợp từ sợi hữu cơ (PVA) đã được sử dụng cho nhiều công trình ở Việt Nam, có nhiều tính ưu việt, thân thiện với môi trường, bền, đẹp, có thể giúp tạo nên nhiều công trình kiến trúc có các kiểu dáng độc đáo cũng nên nghiên cứu phát triển để cung cấp cho thị trường.
Với công nghệ xeo ướt mà Việt Nam đã làm chủ cả công nghệ và chế tạo thiết bị có thể phát triển sản xuất tấm lợp sử dụng sợi PVA hoặc sợi Kyralon (Nhật Bản) và các sợi hữu cơ khác làm sợi gia cường, vấn đề là giá cả phải cạnh tranh được với tấm lợp phibro xi măng. Công nghệ này cũng cho phép sản xuất loại tấm phẳng dùng làm vách ngăn, tấm trần đang được dùng nhiều trong xây dựng các công trình cao tầng. Loại tấm này hiện nay thị trường Việt Nam đang sử dụng loại tấm nhập khẩu từ Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia.
PV: Với vai trò là đầu mối tập hợp các doanh nghiệp, Hiệp hội có can thiệp vào giá bán sản phẩm trên thị trưòng?
TS Võ Quang Diệm:
Nghị định số 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng quy định nhà sản xuất có quyền tự quyết định giá bán sản phẩm do mình sản xuất. Điều 8 , Luật cạnh tranh cũng quy định, những thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ trực tiếp hay gián tiếp là thoả thuận làm hạn chế cạnh tranh, vi phạm luật. Vì vậy, Hiệp hội không được quyền can thiệp vào giá bán sản phẩm của doanh nghiệp, hay ấn định, điều hành giá thị trường. Tuy nhiên Văn phòng Hiệp hội là nơi cập nhật sớm nhất các thông tin biến động giá cả đầu vào (xi măng, amiăng chrysotil, điện, tăng lương…) nắm được thông tin giá cả thị trường, nên có thể cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin bổ ích để doanh nghiệp chủ động ứng phó với tình hình biến động giá cả. Đối với các trường hợp khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ, Hiệp hội cũng yêu cầu doanh nghiệp chỉ đạo các đại lý của mình cung cấp đủ cơ số hàng và không tăng giá.
PV: Hiệp hội đã làm gì để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thưa ông?
TS Võ Quang Diệm:
Điều quan trọng nhất là làm sao để các nhà quản lý doanh nghiệp biết cách tự bảo vệ mình, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ trong việc cho phép sử dụng amiăng chrysotile để sản xuất tấm lợp, tạo môi trường, điều kiện lao động tốt nhất đảm bảo sức khoẻ cho người lao động trực tiếp tiếp xúc với amiăng chrysotile.
Những việc Hiệp hội làm để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp có rất nhiều, nhưng nổi bật nhất là bảo vệ và phát triển ngành sản xuất này. Bằng hoạt động thực tiễn, các hoạt đông nghiên cứu khoa học, xây dựng hệ thống dữ liệu về môi trường và bệnh nghề nghiệp liên quan đến sản xuất tấm lợp, thông qua hội thảo, văn bản, các phương tiên thông tin đại chúng làm sao, để các bộ, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Tổng liên đoàn LĐ Việt Nam, các cơ quan nghiên cứu hiểu và ủng hộ chủ trương cho phép sử dụng amiăng chrysotile để sản xuất tấm lợp. Trên cơ sở đó, trình Chính phủ ban hành các chính sách ổn định lâu dài. Kết quả đó là quyết định số 133/2004/QĐ-TTg và Quyết định 121/2008/QĐ-TTg, nhờ đó doanh nghiệp mới giám đầu tư để phát triển. Ngoài ra, nhiều đề xuất của Hiệp hội đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp như: đưa tấm lợp phibro xi măng vào danh mục được hưởng cơ chế ưu đãi lãi suất vốn vay của Quyết định 976/2009/QĐ-TTg .
Để bảo vệ được mình, doanh nghiệp phải xây dựng cho mình trở thành thương hiệu uy tín, có trách nhiệm với người tiêu dùng, có hình ảnh đẹp, thiện cảm với cơ quan nhà nước. Nếu có ai đó nói môi trường sản xuất ô nhiễm, thì cần phải đầu tư hệ thống xử lý môi trường, rồi chứng minh cho họ thấy các tiêu chí môi trường sau khi đã đầu tư đạt các tiêu chí của Quy chuẩn quốc gia, hoặc giả có ai đó xuyên tạc rằng “ uống nước mưa hứng từ mái lợp phibro xi măng thì phải phản bác ngay bằng cơ sở khoa học.
Xu hướng các nước cấm sử dụng amiăng ngày càng tăng, việc tuyên truyền chống amiăng hết sức đa dạng theo nhiều phương thức, sử dụng nhiều nguồn tài trợ. Giữ và phát triển ngành tấm lợp phibro xi măng được như ngày hôm nay là một kỳ công, là sự chung lưng, góp sức của rất nhiều thế hệ cán bộ của HHTLVN. Con đường phía trước còn nhiều cam go, nhưng tôi tin tưởng ngành sản xuất tấm lợp phibro xi măng sẽ phát triển, sản phẩm sẽ đa dạng hơn.
Xin chân thành cảm ơn ông!