Amiăng trắng có độc không?

27-06-2014
TT - Hội thảo do Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức sáng 26-6 với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ ngành, nhưng tranh luận về việc amiăng trắng độc tới mức nào, có khả năng gây ung thư không, nên cấm hay tiếp tục sản xuất vẫn chưa ngã ngũ.
TS Lương Mai Anh tranh luận tại hội thảo - Ảnh: Lâm Hoài

 

Đây là nguyên liệu tối quan trọng trong ngành sản xuất tấm lợp hiện có sản lượng, quy mô lao động lớn, cũng như sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam.

Bên nói gây ung thư

 

Trước mắt vẫn sản xuất bình thường

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khi đề cập tới ngành sản xuất tấm lợp sử dụng amiăng. Hiện nay khi quyết định của Thủ tướng còn hiệu lực, việc sản xuất vẫn tiến hành bình thường, tuy nhiên Bộ Xây dựng sẽ lưu ý các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn lao động, đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe người lao động, trong đó có việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ. Còn việc quyết định dừng hay không, kiểm soát ra sao, ông Nam cho hay tới đây sau khi trải qua quá trình xem xét, tổng hợp ý kiến từ các bộ ngành, các nhà khoa học, chuyên môn... các bộ liên quan sẽ đề xuất với Chính phủ ra quyết định cuối cùng.

Trong phần tham luận của mình, TS Vũ Thường Bồi (Hội Hóa học Việt Nam) đã có bài phân tích khá dài và chi tiết về amiăng.

Từ đây ông Bồi kết luận: các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là ung thư, tăng tỉ lệ thuận với khối lượng amiăng tiêu thụ, đồng thời có đủ bằng chứng khoa học và thực tiễn về tác nhân gây ung thư cơ quan hô hấp của các loại amiăng, bằng chứng về phơi nhiễm amiăng dẫn đến ung thư vòm họng, buồng trứng, dạ dày và ruột kết.

Theo ông Bồi, để phòng chống bệnh tật liên quan đến amiăng, tốt nhất là thôi dùng amiăng.

Trong khi đó TS Lương Mai Anh - phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) - dẫn chứng tỉ lệ các quốc gia sử dụng amiăng ngày càng giảm, trong khi số quốc gia cấm tăng lên.

Cụ thể, năm 2000 có 66 nước sử dụng amiăng, nhưng năm 2012 chỉ còn 35 nước sử dụng.

Trong khi đó, số lượng quốc gia cấm sử dụng amiăng năm 2000 là 18 nước nhưng đến năm 2012 đã tăng tới 54 quốc gia.

Thế nhưng khoảng 10 năm gần đây, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới, trung bình hằng năm nhập khoảng 65.000 tấn.

Bà Mai Anh dẫn chứng kết quả điều tra của dự án do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy các quy trình về an toàn vệ sinh lao động tại nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng ở Việt Nam năm 2013 đều có vấn đề, trong đó gồm các khâu quản lý nguyên liệu, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, khám sức khỏe cho người lao động, trang thiết bị bảo vệ...

Nguy hiểm hơn, theo bà Mai Anh, Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Amiăng có thể gây các bệnh bụi phổi, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, mảng màng phổi, tràn dịch, ung thư thực quản, buồng trứng...

Vị phó cục trưởng cũng thông tin kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011, theo đó trong số 447 trường hợp ghi nhận bệnh nghi ngờ liên quan đến amiăng tại sáu bệnh viện, có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi...

Vì những nguyên nhân trên, bà Mai Anh khẳng định Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ đưa nội dung “không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng” vào quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa amiăng trắng vào danh mục hóa chất kiểm soát nghiêm ngặt theo Luật hóa chất năm 2007.

Bên bảo bình thường

Khi được mời trình bày tham luận của mình, TS Võ Quang Diệm - phó chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam - đã “tố” Bộ Y tế: “Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế bày tỏ quan điểm về vấn đề amiăng nhưng tôi có cảm giác là bộ trưởng chưa đọc văn bản và chưa có tiếp thu. Chúng tôi cũng bày tỏ e ngại khi quan điểm của WHO chưa được Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ vì đây chỉ là quan điểm của một nhóm chống amiăng mà thôi” - ông Diệm nói. TS Diệm cũng cho rằng Cục Y tế đã và đang vận động hành lang rất tốt về việc cấm amiăng.

Theo TS Diệm, amiăng trắng không độc như những loại amiăng khác, do đó không nên có quan điểm gom loại này vào “một mớ” để loại bỏ nó. Ông Diệm nêu dẫn chứng hiện nay có tới 149 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng. Ông Diệm kiến nghị Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có tiếng nói gửi cơ quan có thẩm quyền tiếp tục cho phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp về lâu dài.

Cùng quan điểm ông Diệm, TS Lê Thị Hằng - giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) - dẫn kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước giai đoạn 2002-2003 nghiên cứu trên 1.000 công nhân trong nhà máy tấm lợp và vật liệu có sử dụng amiăng, cho thấy 98% trong số này cho kết quả bình thường, chỉ 2% bất thường, trong đó chủ yếu chỉ có các dạng bụi phổi, lao, giãn phế nang... mà không có dấu hiệu nào nghiêm trọng hơn.

Bà Hằng khẳng định đến nay thực tiễn chưa thấy phát hiện ung thư trung biểu mô nào liên quan đến amiăng như phản ảnh. Do đó bà Hằng không phản đối việc tiếp tục sử dụng amiăng trắng trong sản xuất, mà chỉ đưa khuyến cáo về các biện pháp giám sát môi trường lao động nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong môi trường sản xuất có nguyên liệu amiăng trắng...

Lâm Hoài - Báo tuổi trẻ

TIN MỚI ĐĂNG