Hiện có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 3/4 dân số thế giới cho phép sử dụng amiang trắng (AC) và các sản phẩm chứa amiang trắng, trong đó có các nước G8 gồm: Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga và các nước: Mexico, Brazil, , Ukraina, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam... Đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho hơn 3000 sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp như xây dựng, đóng tàu, ô tô, hàng không…
Đáng chú ý, nước Mỹ từng có thời gian cấm sử dụng amiang từ những năm 1980 nhưng đến năm 1991 thì đã hủy bỏ lệnh cấm dựa trên những lý lẽ cho rằng: Sẽ không có sự nhiễm bụi sợi amiang đáng tiếc nào xảy ra nếu như sản phẩm đó được sản xuất và sử dụng dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn; Những sản phẩm mới thay thế chưa chứng minh được mức độ an toàn về sức khỏe con người; Dùng sản phẩm có chứa thành phần amiang hiệu quả và kinh tế hơn bất cứ sản phẩm nào dùng các loại sợi có thể thay thế…
Đến năm 2011, Tòa án Tối cao Ấn độ cũng đã bác bỏ yêu cầu của các Tổ chức phi chính phủ NGO là cấm sử dụng tất cả các loại amiang. Singapore, Đài Loan đã từng cấm amiang nhưng sau đó cũng đã rút bỏ lệnh cấm từ năm 2010.
Tại Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Vật liệu xây dựng cho thấy, vật liệu amiang đã được tồn tại từ 50 năm nay với khoảng 40 nhà máy đang hoạt động. Hiện tại, theo quyết định 121 phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2008, chỉ duy nhất sợi amiang trắng được phép nhập khẩu và sử dụng tại Việt Nam. Ông Võ Quang Diệm - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam - cho biết, mỗi năm, cả nước tiêu thụ khoảng 80-90 triệu m2 tấm lợp AC. Tấm lợp AC có chất lượng tốt, khả năng chống xuyên nước tốt, độ bền cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt với tuổi thọ từ 30-50 năm, phù hợp những vùng sâu, vùng xa, những vùng chịu ảnh hưởng của bão lũ trong khi giá thành chỉ bằng 1/3 tấm lợp tôn…
Chưa phát hiện bệnh ung thư liên quan đến amiang
Tóm lại, vấn đề đang gây nhiều ý kiến tranh cãi chính là sự ảnh hưởng của amiang đối với sức khỏe con người. Theo ông Tới, trong khi các đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các loại amiang đều có khả năng tiềm tàng gây ung thư ở người thì nhiều nghiên cứu khoa học tại Mỹ, Canada, các nước trong khối SNG, Braxin, Ấn Độ, Thái Lan… lại cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở nhóm công nhân tiếp xúc với amiang trắng không có khác biệt so với nhóm người không tiếp xúc.
Đáng chú ý, Hồ sơ Quốc gia về amiang từ năm 2009 đến 2012 được xây dựng bởi Bộ Y tế và Viện Khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đã kết luận: Trong số các phim chụp X quang và CT scanner cho người lao động tiếp xúc với amiang từ năm 2004 đến nay, chưa phát hiện được các bệnh liên quan đến amiang.
Bên cạnh đó, hiện nay, hàng loạt nhà máy sản xuất tấm lợp amiang đang áp dụng công nghệ sạch khép kín, tất cả đều được tự động hóa, sử dụng nước thải tuần hoàn, không thải ra bên ngoài. Các công đoạn được cấp nguyên liệu được cách ly hoàn toàn với khu sản xuất, hạn chế sự ô nhiễm từ nguyên liệu amiang trắng.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định, hiện nay nước ta sản xuất khoảng trên 300 triệu m2 tấm lợp bao gồm ngói lợp, tôn lợp, có tấm lợp amiang và tấm lợp bằng những chất hữu cơ khác. Trong đó, tấm lợp amiang chiếm khoảng 25-30% tổng diện tích m2 tấm lợp.
“Nếu giả sử chúng ta có cấm thì cũng phải đưa ra một lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế, phải đầu tư sản xuất nghiên cứu để đưa ra được các sản phẩm thay thế phù hợp với tính năng sử dụng cũng như về sức thanh toán của người dân, đồng thời cũng để cho các doanh nghiệp có thời gian khấu hao trả nợ đổi mới công nghệ chuyển sang mô hình hoạt động khác” - Thứ trưởng Nam khẳng định.