Loay hoay ứng xử với Amiăng trong sản xuất tấm lợp phibroximăng

11-09-2013
Cũng như các ngành sản xuất VLXD khác, ngành tấm lợp phibroximang gặp nhiều khó khăn do các yếu tố đầu vào liên tục tăng, nguồn cung cấp sợi amiăng tăng giá cao và không theo kịp tiến độ sản xuất, lãi suất ngân hàng khó tiếp cận trong khi thị trường tiêu thụ giảm.

Bên cạnh một số ít DN đã khẳng định được thương hiệu và doanh số bán hàng có lãi cũng như kiểm soát được chất lượng sản phẩm và môi trường lao động tốt...thì phần lớn DN mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục nhưng có đến 30% đơn vị thương hiệu nhỏ vẫn phải tạm ngừng sản xuất 1-2 tháng để giảm lượng tồn kho. Một số đơn vị phải ngừng sản xuất 3-4 tháng, thậm chí có 2 đơn vị thông báo ngừng sản xuất. Việc phân bố các cơ sở sản xuất không đều giữa ba miền bắc, trung, nam dẫn đến sự cạnh tranh rất gay gắt nhất là hiện tượng bán phá giá tấm lợp trên thị trường. Những khó khăn của ngành sản xuất tấm lợp không chỉ dừng lại ở thị trường do tình hình chung mà thách thức lớn nhất đến từ phong trào chống amiang của các tổ chức đang phát triển lan rộng cũng như sự quản lý chặt chẽ đến từ các bộ, ngành liên quan.

 


Loại bỏ hay duy trì amiăng trong sản xuất tấm lợp?

Năm 2013, Hội nghị VI Công ước Rotterdam sẽ được tổ chức tại Thụy Sỹ. Thông qua hội nghị này, các nước chống amiăng vào phụ lục 3 gồm danh mục các loại thuốc trừ sâu và hóa chất công nghiệp bị cấm hoặc bị kiểm soát nghiêm ngặt trong buôn bán, vận chuyển, sử dụng.

Tại Việt Nam, vật liệu tấm lợp đã được sử dụng rộng rãi từ năm 1988, sử dụng phổ biến tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các khả năng ưu việt về độ bền, giá thành thấp và tạo công ăn việc ổn định cho lực lượng lớn công nhân lao động.

Thông qua việc nghiên cứu phân tích các số liệu liên quan đến sức khỏe người lao động trong các nhà máy sản xuất VLXD tấm lợp giai đoạn 2008-2012, TS Lê Thị Hằng - Giám đốc Bệnh viện Xây dựng cho biết: “Tỷ lệ những người mắc bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất VLXD tấm lợp so với những đơn vị sản xuất khác không có sự khác biệt”.

Theo ông Võ Quang Diệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam thì “Qua thực tiễn và qua nghiên cứu khoa học, việc sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp không độc hại như người ta tưởng. Người dân nước ta còn nghèo,người dân tại một số vùng chưa có đủ điều kiện để sử dụng những loại tấm lợp đắt tiền nên cần cân nhắc chủ trương loại bỏ sản xuất sản phẩm này”.

Chứng nhận hợp quy chuẩn: Quyết định sự sống còn của DN

Là ngành sản xuất đặc thù, quy trình sản xuất tấm lợp phibroximăng liên quan đến công tác khám bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là liên quan đến chương trình loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng do WHO tài trợ của Bộ Y tế; Liên quan đến công tác quản lý môi trường lao động của Bộ Tài Nguyên Môi trường; Liên quan đến công tác quản lý ngành công nghiệp và các hóa chất độc hại của Bộ Công thương.

Theo ông Lê Thế Ngọc, Vụ phó Vụ VLXD - BXD, để đảm bảo được các yêu cầu của các bộ, ngành,không còn cách nào khác là chính các DN sản xuất tấm lợp phải thực hiện hợp quy chuẩn, đảm bảo yêu cầu về môi trường và sức khỏe cán bộ công nhân viên. Nếu các DN yếu kém, không có ý thức và biện pháp xử lý môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động thì chắc chắn sẽ ngừng hoạt động khi có đoàn kiểm tra. Sự tồn tại của DN phụ thuộc vào việc tuân thủ quy định, tạo ra lĩnh vực sản xuất lành mạnh, có sự kiểm soát tốt và chất lượng được nâng cao.

Trong thời gian ngắn, quy hoạch tổng thể chung của ngành VLXD chưa có gì biến động nhiều. Tuy nhiên, trong tương lai tầm nhìn xa, các chuyên gia cũng khuyến cáo các DN nên có phương án dự phòng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp và thích ứng được với các văn bản điều hành mới của nhà nước. Ông Lương Đức Long -Viện trưởng Viện VLXD cho biết hiện công suất sản phẩm trên 100 triệu m2 đã đủ đáp ứng đến năm 2015 rồi, mức độ dự báo thị trường tương đối chính xác nên ông khuyến cáo các DN cần đặc biệt lưu ý vấn đề cân nhắc kỹ đầu tư dự án mới trong giai đoạn này.

Năm 2012 toàn ngành sản xuất tấm lợp có 53 dây chuyền với tổng năng lực thiết kế là 106 triệu tấn/năm, trong đó có 2 cơ sở mới công suất 6 triệu tấn/năm và 2 dây chuyền hiện đại hóa nâng cao công suất lên 7 triệu tấn/năm. Hoạt động sản xuất toàn ngành đạt 85 triệu m2/năm, đạt mức huy động 80,19% công suất thiết kế và sản lượng tiêu thụ đạt 79 triệu m2/năm. Lượng tồn sản phẩm trung bình từ 8-10%, tại một số đơn vị tồn kho cao từ 15-20%.

Năm 2013, ngành tấm lợp phibroximăng phấn đầu đạt kế hoạch sản xuất từ 83-85 triệu m2/năm tương đương với năm 2012. Phấn đấu đạt sản lượng tiêu thụ từ 80-82 triệu m2/năm, tăng 3% so với năm 2012. Phấn đầu giá sàn giữ ở mức 36.000đ/tấm cho khu vực thị trường phía bắc.

TIN MỚI ĐĂNG