CHẤT NGHỆ TRONG “BỖNG DƯNG THÈM TRÁCH MẮNG” CỦA VÕ QUANG DIỆM

08-12-2022

Cầm trên tay tập thơ thứ tư của Tiến sĩ Võ Quang Diệm với cái tên lạ và gợi hiếu kỳ “Bỗng dưng thèm trách mắng” gợi cho người đọc một sự tò mò, muốn khám phá. Trong tập đã có lời bình “Hồn quê chắt chiu hồn thơ” của nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng và “Bến chân tình níu giữ một hồn thơ” của nhà báo, thầy giáo Hải Triều. Hôm nay tại buổi giới thiệu sách này lại được nghe thêm một số đánh giá của các nhà thơ Phạm Đức, Quang Hoài, Nguyễn Lâm Cẩn và nhà văn Nguyễn Đăng An…

          Tôi nghĩ vậy cũng đã đủ để chúng ta cảm nhận về tập thơ này của Võ Quang Diệm. Tôi chỉ xin được nói thêm hai ý kiến nhỏ ở hai bài thơ, đó là “Về quê” và “Bỗng dưng thèm trách mắng”, mà theo tôi chính là hai nét khắc làm nên “Chất Nghệ” quê hương và phần nào nói được bản chất tình cảm trong con người Võ Quang Diệm.

Nói về quê hương, anh có nhiều bài như: Bức tranh quê; Xứ Nghệ mình ơi; Sông Lam; Nhút Thanh Chương; Tương Nam Đàn; Chợ làng; Có một thành Vinh…Mỗi bài đều góp phần nói lên sắc thái và tình yêu quê hương của anh. Nhưng “Về quê” mới là nét khắc họa gọn gàng, mạch lạc, là cái lõi làm nên cốt cách con người Xứ Nghệ.

Về quê hưởng chút “lộc trời”. Tưởng lộc trời ban phát sung sướng thế nào, hóa ra là nắng nung, là: “Gió hầm hập/ Rạc cỏ cây/ Mồ hôi bạc trắng luống cày mưu sinh”. Là: “Đt/ Người/ Vắt ruột kết tinh/ Chất Nghệ/ yêu ghét/ Nhục vinh/ rạch ròi/ Về nghe/ Câu Ví đưa nôi/ Lắng thành cốt cách/ Tình người quê Choa”.

Nói về đất và người Xứ Nghệ tôi nghĩ thế là đủ, chính xác như một công thức. Nhưng cũng rất thơ, vì đằng sau cái rạch ròi ấy còn có những câu ví, điệu hò, còn có: “Tắm sông/ Vắt kiệt phù sa/Để cho đồng bãi/ Mượt mà xanh tươi/ Về ăn đặc sản ngàn đời/ Cà chua, nhút mặn/ Và nuôi chí bền”. Nếu ai đó không thích gọi quê choa, không thích nhút mặn, mặc họ. Cái ông Tiến sĩ cán bộ ngành vật liệu xây dựng Võ Quang Diệm vẫn tự hào về những nét riêng độc đáo của quê mình. Quê hương địa linh nhân kiệt.

Đọc “Về quê” của Võ Quang Diệm tôi lại chợt nhớ đến bài thơ “Miền trung” của nhà thơ Hoàng Trần Cương, người đồng hương Xứ Nghệ của anh (ông mất ngày 9/4/2020 tại Hà Nội). Hoàng Trần Cương viết có đoạn:

“Miền trung mỏng và sắc như cật nứa

Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam”

Và: “Miền trung/ Bao giờ em về thăm/ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt / Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người”.

Cái nghèo và khắc nghiệt ấy đã hun đúc nên con người Xứ Nghệ “Thoáng bóng giặc núi bủa thành máng súng/ Những đứa con văng như mảnh đạn/ Thương mẹ một mình trời sinh đá mồ côi”.

Tất nhiên, ”Về quê” của Võ Quang Diệm không xếp hàng ngang với “Miền trung” của Hoàng Trần Cương, nhưng cũng thứ tự xếp hàng dọc góp mặt cùng các nhà thơ Xứ Nghệ làm nên Chất Nghệ cho quê hương mình.

“Về quê” của Võ Quang Diệm ở đoạn cuối anh nhắc nhở đừng ai quên cái truyền thống của quê hương và luyến tiếc một thời đã qua. Đó là một thông điệp dễ hiểu. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, giá như không có đoạn này thì lắng đọng và đậm đặc Chất Nghệ hơn.

Điểm nhấn thứ hai là bài “Bỗng dưng thèm trách mắng”, tác giả chọn đặt tên cho cả tập thơ. Đây chỉ là một câu chuyện thường tình mà nhiều người đã gặp phải và nhiều người đã viết khi vợ vắng nhà.

Nhưng hầu hết họ chọn câu chuyện vợ vắng nhà thì không người chợ búa, cơm nước, không người giặt giũ, lau nhà, ngồi ăn lệch mâm, trống vắng, mau mau mong vợ về. Võ Quang Diệm lại viết về một góc khác. Vợ anh về quê đúng vào cái đêm mưa gió: “Gió đập cửa thốc vào/ Dựng mình lên quát tháo”. Anh đã chợt sợ vì thế một mình đôn đáo, chạy lên chạy xuống, đóng chặt cửa cài then. Mưa gió là chuyện bình thường chỉ khí chồng vắng nhà phụ nữ và trẻ em mới sợ chứ, sao anh lại sợ, vì sao? Vì xưa nay anh chỉ lo việc công vụ cơ quan, chỉ quan tâm đến việc lớn còn việc nhà cơm áo gạo tiền thường nhật giao cho vợ con. Chỉ đến khi gặp mưa gió bất thường anh mới thấm thía sự thiếu vằng của người vợ - cho dù chỉ là một đêm “Đêm nay mưa không ngớt/ Gió gào rít từng cơn/ Căn phòng như rộng hơn/ Lòng mình thì trống vắng”.

Nếu câu chuyện chỉ có thế thì không có gì đáng nói, nhưng khi “Một mình nằm co ro/ Gió sờ lưng lạnh cóng” thì bất ngờ một ý nghĩ “Bỗng dưng thèm trách mắng”. Thà vợ ở nhà hàng ngày anh chịu sự rầy la, trách cứ, khó chịu một tý còn hơn nỗi lạnh lùng cô đơn này. Vậy có câu hỏi: Người chồng có bị lép so với vợ không? Chị vợ có đáo để không mà lại la chồng con như “bài ca thường nhật”. Tưởng là thế, nhưng đọc kỹ thì không phải thế. Anh lo chuyện sự nghiệp, rồi lo những việc lớn. Chuyện cơm áo, gạo tiền, chuyện lặt vặt ít quan tâm cũng là thường tình của người đàn ông thành đạt. Nhưng ở đây anh không lạnh nhạt mà thương vợ. Anh thấu hiểu cái căn cớ là do “ Nhà không có con gái/ Vợ thiệt kép thiệt đơn” Thì ra đây mới là nguồn cơn của câu chuyện. Các cụ có câu “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Đằng này nhà không có con gái nên mọi việc đổ lên đầu vợ,… Càng nghĩ anh càng thương. Đây là tính cách thật của nhà thơ Võ Quang Diệm. Anh nể vợ, thương vợ vì đã hy sinh cả cuộc đời để chăm lo cho chồng con, trong khi luôn chịu áp lực tâm lý từ nhiều chiều trong cuộc sống. Do đó chị có rầy la, trách cứ đi nữa thì cũng là cách thể hiện tình yêu của chị với chồng con. Không thế sao chị mới vắng nhà một đêm anh đã thèm đến vậy. Võ Quang Diệm thèm được vợ trách mắng. Nếu chỉ trách cứ thì cũng thường thôi. Mắng mới nặng, mắng mà được chồng vẫn thèm mới đáng mắng làm sao!

Nhưng tôi nghĩ ở đây chị chỉ trách cứ rầy la chứ đâu có mắng. Mắng là anh tự nói ra cho tăng thêm cung bậc tình cảm và tạo hiệu ứng bất ngờ cho người đọc.

Đây là sự thành công nhất của Võ Quang Diệm trong “Bỗng dưng thèm trách mắng”. Nếu không có câu kết này bài thơ chỉ là chuyện kể, có cái kết này những kể lể trở thành vật liệu cần thiết cho việc dựng một bài thơ đứng vững trong lòng bạn độc.

“Về quê” và “Bỗng dưng thèm trách mắng” là hai điểm nhấn, hai nét khắc trong cả tập thơ.

Chúc mừng nhà thơ Võ Quang Diệm có bài thơ hay và một gia đình hạnh phúc.

                                                                                Hà Nội đêm 15/7/2020

Đoàn Văn Thanh

TIN LIÊN QUAN